CUỘC CÁCH MẠNG MANG TÊN CÔNG ĐỒNG VATICAN II – p1

Loạt bài về cuộc cách mạng mang tên Công Đồng Vatican II này sẽ chứng minh cho mọi người thấy tại sao CĐ này là một cuộc đoạn tuyệt xa rời đức tin Công Giáo để khai sinh ra một “công giáo hiện đại” được gọi là Giáo Phái Vatican II.

PHẦN 1: DẪN NHẬP

Nếu cách mạng được hiểu là thay đổi, đổi mới, làm khác đi so với trước…thì CĐVatican II chính xác là một cuộc cách mạng trong lịch sử GH Công Giáo.

Công Đồng Vatican II, gọi tắt là Vatican II, được Gioan XXIII loan tin triệu tập ngày 25/1/1959. Sau hơn ba năm chuẩn bị, CĐ Vatican II được chính thức khai mạc ngày 11/10/1962 và bế mạc ngày 8/12/1965 dưới thời của Phao-lô VI. Gioan XXIII là người khởi xướng Vatican II và Phao-lô VI là người kết thúc và thông qua 16 văn kiện chức thính của CĐ gồm: 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn.

Lý do triệu tập Vatican II là để cập nhật hoá Giáo Hội – GH, hay hiện đại hoá GH. Có thể gói gọn tất cả ý hướng và mục tiêu của Vatican II trong một từ là AGGIORNAMENTO, một từ trong tiếng Ý có nghĩa là cập nhật hoá hay hiện đại hoá. Gioan XXIII giải thích lý do triệu tập Vatican II bằng một hình ảnh mang tính ẩn dụ. Ngài đưa tay mở tung hai cánh cửa sổ của căn phòng ra. Điều đó ngụ ý rằng đã đến lúc GH cần phải mở ra với thế giới và hoà mình vào thế giới chứ không khép mình đứng ngoài hay ở trên thế giới nữa! Căn nhà GH đã bức bí lắm rồi, cần phải mở ra cho gió lùa vào, để không còn cảm thấy ngột ngạt nữa! Vậy nên Vatican II chính là cuộc cách mạng, đổi thay để GH trở nên “tân tiến và hợp thời hơn” đối với thế giới hiện đại.

Một vài đặc điểm khiến Vatican II trở nên khác biệt hẳn với tất cả 20 công đồng trước đây trong lịch sử GH.

Số người tham dự đông nhất.

Trong suốt thời gian 4 năm công đồng, có khoảng 2860 người tham dự gồm 85 Hồng Y, 8 Thượng Phụ, 533 Tổng Giám Mục, 2131 Giám Mục, 26 Viện Phụ, và 68 Bề Trên Tổng Quyền các Dòng Nam, đến từ 116 quốc gia.[1]

Cho người ngoài Công Giáo tham dự.

Điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử GH đó là, 182 người ngoài Công Giáo được mời tham dự công đồng! Họ là đại diện đến từ các tôn giáo, các giáo phái lạc giáo, ly giáo, và cả người vô thần nữa! Họ được sắp xếp chỗ ngồi danh dự ngay bên dưới tượng thánh Longinus và gần với bàn của vị chủ toạ công đồng hơn cả các Hồng Y![2]

Số nhà báo và phóng viên đông nhất.

Trước Vatican II, việc bàn thảo tại công đồng tuyệt đối là công việc của các nghị phụ tham dự trực tiếp trong đó. Mọi thứ khác hẳn với Vatican II. Ngay trong ngày khai mạc CĐ, khoảng 1000 thẻ báo chí được cấp cho các ký giả. Giới truyền thông theo dõi cách gắt gao mọi diễn biến của công đồng. Họ bình luận, phân tích và dự đoán những đổi thay sẽ có tại công đồng. Mọi diễn biến tại công đồng đều được loan tin cho toàn thế giới qua hệ thống truyền thanh truyền hình. Nhiều kẻ vui mừng nhưng cũng có lắm người thấy sốc trước những quyết định của công đồng. Gioan XXIII được tạp chí Times phong là nhân vật của năm 1962.[3]

Đi vào cuộc sống nhanh nhất.

Không một quyết định nào của các công đồng trước đây được gấp rút áp dụng vào đời sống nhanh như Vatican II. Ngay trong ngày Chúa Nhật Mùa Vọng đầu tiên năm 1964, ngày 29/11, tức là khi công đồng còn hơn một năm nữa mới kết thúc, nhiều người khi đến nhà thờ đã được chứng kiến những sự thay đổi được coi là “không thể sai lầm” trong thánh lễ, đó là việc sử dụng tiếng bản địa – vernacular – trong nhiều phần khác nhau của thánh lễ.[4]

Một vài dữ liệu trên cũng giúp chúng ta hiểu phần nào tính cách mạng của Vatican II. Trước khi tìm hiểu chi tiết cuộc cách mạng trong giáo thuyết và trong phụng vụ của Vatican II, chúng ta cùng làm quen với một số danh từ và thuật ngữ thần học sau đây bởi chúng sẽ được nhắc đến trong các bài tới (theo thần học trước Vatican II):

Phán Từ Toà (của Phê-rô) – Ex Cathedra: Cụm từ tiếng Latinh nghĩa là “từ Toà – from the Chair”. Khi Giáo Hoàng chính thức công khai phán dạy một điều liên quan đến đức tin và luân lý từ toà của Thánh Phê-rô – ex cathedra – với tư cách là thủ lĩnh tối cao của Giáo Hội, không cần phụ thuộc vào sự đồng thuận trong Giáo Hội, thì điều ngài phán dạy là không thể sai lầm, có giá trị trường tồn và không thể thay đổi.

Mạc Khải Thần LinhDivine Revelation: Mạc khải thần linh được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Nói cách khác Thánh Kinh và Thánh Truyền là 2 nguồn của mạc khải thần linh. Mạc khải thần linh công khai chấm dứt với cái chết của vị tông đồ cuối cùng (Thánh Gioan tông đồ khoảng năm 97). Nội dung đích thực của mạc khải thần linh được xác định bởi quyền giáo huấn – magisterium – của Giáo Hội. 

Quyền Giáo HuấnMagisterium: Là quyền giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo. Quyền này được ban cho Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phê-rô, đại diện Chúa Kitô và là thủ lĩnh hữu hình tối cao của Giáo Hội Công Giáo. Quyền này cũng được ban cho giám mục đoàn khi các ngài hợp nhất dưới quyền của Giáo Hoàng. Quyền Giáo Huấn được phân biệt dưới 2 hình thức: Ngoại Thường (Extraodinary) và Thông Thường (Ordinary). Quyền Giáo Huấn được thi hành cách long trọng như trong các tuyên bố chính thức của các Giáo Hoàng hay của các công đồng hoàn vũ được phê chuẩn bởi Giáo Hoàng. Khi Giáo Huấn long trọng được thể hiện dưới hình thức các xác quyết của Giáo Hoàng hay các quyết định của các công đồng, liên quan đến đức tin và luân lý, thì giáo huấn ấy bó buộc lương tâm các tín hữu và không thể sai lầm. Quyền Giáo Huấn có tính cách thông thường là quyền giảng dạy của các Giám Mục hiệp thông với Giáo Hoàng. Các Giám Mục thi hành quyền giáo huấn thông thường khi các ngài giảng dạy đoàn chiên được uỷ thác cho các ngài.

Kho Tàng Đức Tin – Deposit of Faith: Khái niệm này bắt nguồn từ cách diễn tả của Thánh Phao-lô trong 1Tm 6,20 và 2Tm 1,14. Xét theo nội dung, Kho Tàng Đức Tin gồm các tín điều liên quan đến Đức Tin, Luân Lý, Bí Tích, Kinh Thánh, và Thể Chế Phẩm Trật của Giáo Hội. Xét theo pháp lý, những điều hàm chứa trong Kho Tàng Đức Tin là do Đức Kitô uỷ thác cho GH canh giữ và truyền đạt cho các thế hệ. Giáo Hội chỉ là người bảo vệ canh giữ chứ không phải là ông chủ, nên GH không có quyền thay đổi nội dung của Kho Tàng ấy. Mặc dầu vậy, GH gìn giữ Kho Tàng Đức Tin cách tích cực sống động, chứ không phải theo cách thụ động tiêu cực theo nghĩa đem chôn vùi, cất dấu như cách thức của tên đầy tớ bị quở trách trong dụ ngôn Mt 25,14-30 và Lc 19,11-27. Nhờ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn với ơn Bất Khả Ngộ, GH rút ra từ Kho Tàng Đức Tin sự phong phú để nuôi con cái và vũ khí để chống lại kẻ thù, đồng thời luôn biết thích ứng cách khôn ngoan với các nhu cầu của con người và thời đại.[5]

Tín điềuDogma: là một chân lý liên quan đến đức tin hoặc luân lý được Giáo Hoàng tuyên bố là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, vì vậy mọi tín hữu phải tin đó là một chân lý mạc khải và cần thiết cho ơn cứu độ. Mọi tín điều đều là các chân lý liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến mạc khải. Khi một tín điều được tuyên bố, cách hiểu tín điều đó sẽ không bao giờ thay đổi kể cả là với cái gọi là nhân danh một sự hiểu biết sâu hơn. Công Đồng Vatican I dạy: “Nếu ai nói rằng, nhờ tiến bộ trong sự hiểu biết, đến một lúc nào đó, một ý nghĩa mới có thể được gán cho một điều khác với ý nghĩa ban đầu Giáo Hội đã hiểu và đang hiểu, thì bị vạ tuyệt thông.” (Denzinger 1818; 1800).

Một giáo huấn qui phạm có tính cách tín điều (canon-tín biêủ) thường là giáo huấn của các công đồng hoàn vũ và kết thúc bằng cụm từ: “thì bị vạ tuyệt thông – let him be anathema.” (như giáo huấn của Vatican I vừa nêu trên).

Vạ tuyệt thôngexcommunication: là việc một người bị loại ra khỏi sự hiệp thông trong đời sống Giáo Hội. Hậu quả của vạ tuyệt thông là người đó không được lãnh nhận các Bí Tích và Nghi Thức An Táng Kitô Giáo, trừ khi người đó sám hối và được hoà giải với Giáo Hội trước khi qua đời. Vạ tuyệt thông được phân biệt thành 2 loại: tuyệt thông tiền kết (latae sententiae excommunicatio) và tuyệt thông hậu kết (ferendae sententiae excommunicatio). Vạ tuyệt thông tiền kết là việc bị vạ ngay lập tức do chính sự kiện (ifso facto) mà không cần phải có sự phán quyết của toà. Thí dụ như tội phá thai. Một tín hữu ngay khi vừa thực hiện việc phá thai xong, thì tức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết cho dù không ai biết và kết án họ. Thí dụ khác với tội lạc giáo.  Một người Công Giáo công khai giảng dạy hay chối bỏ một chân lý đức tin, thì lập tức bị vạ tuyệt thông tiền kết, bị cắt loại khỏi GH và chấm dứt là người Công Giáo, đồng thời mất hết chức vụ và quyền hành trong Giáo Hội nếu là giáo sỹ). Vạ tuyệt thông hậu kết có nghĩa là chỉ bị vạ khi bị đưa ra xét xử trước toà, bị kết tội và tuyên án phạt theo luật định. Vạ tuyệt thông hậu kết được nhận biết khi một điều luật kết thúc bằng cụm từ “thì bị vạ tuyệt thông” hoặc “người phạm tội thì bị vạ tuyệt thông”. Do vậy, nếu phạm một tội mà tội đó đáng phải bị vạ tuyệt thông, nhưng không bị đưa ra toà xử, kết án và tuyên án thì người phạm tội cũng không bị vạ.

Giáo Lý – Doctrine: Bao gồm tất cả những chân lý phải tin, và thuộc về đức tin thần linh Công Giáo (De fide divina et Catholica), đó là những chân lý được chứa đựng trong lời Thiên Chúa hoặc trong Truyền Thống và được giáo hội truyền dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải, bằng định tín long trọng, hoặc bằng quyền giáo huấn thông thường phổ quát. (GL 1917, đ.1323).

Định Tín Long Trọng – Solemn Definition: Đó là một tuyên bố, một xác quyết của các Công Đồng, hoặc một phán quyết Ex-cathedra của Giáo Hoàng. Những phán quyết này thường kết thúc bằng án vạ tuyệt thông kèm theo cho kẻ giảng dạy trái nghịch.      

Lạc giáoheresy: là một giáo thuyết, quan điểm hay lập trường trái ngược với Giáo Lý và Đức Tin Công Giáo.  

Người lạc giáoheritic: là người đã rửa tội mà giảng dạy, phủ nhận, hay quả quyết nghi ngờ một (chứ không cần phải tất cả) tín điều Giáo Hội đã truyền dạy. (GL 1917, đ.1325,2)

Đức Leo XIII dạy: “Như những gì thánh tông đồ Gia-cô-bê phán xét về hậu quả của một lỗi phạm luân lý, điều tương tự cũng được áp dụng cho một sai lạc trong đức tin: phàm ai giữ cả lề luật mà lại sa ngã về một điều, nó cũng mắc vạ về hết mọi điều (Gc 2, 10)…Cho nên ai phủ nhận dù chỉ một điểm trong chân lý mạc khải thần linh là kể như chối bỏ toàn bộ đức tin vì người đó khước từ tôn kính Thiên Chúa là chân lý tối thượng và là nguyên nhân mô thể của đức tin.” (Đức Leo XIII, Satis Cognitum – Thông Điệp về Hiệp Nhất Giáo Hội – ngày 29/6/1896, #3). 

Ly Giáo Schism: là việc phủ nhận quyền bính tối cao của Giáo Hoàng (hiểu là giáo hoàng thật -true pope, chứ không không phải là nguỵ giáo hoàng – antipope) và không hiệp thông với các giám mục hiệp nhất với giáo hoàng.

Người Ly GiáoSchismatic: là một người đã rửa tội nhưng cố tình phủ nhận quyền tối cáo của Giáo Hoàng và không hiệp thông với các thành phần trong Giáo Hội (GL 1917, đ.1325, 2). Người phạm tội ly giáo bị vạ tuyệt thông tiền kết.

Bội GiáoApostasy: là sự chối bỏ (bằng lời nói hay hành động) một phần hoặc toàn bộ đức tin Công Giáo. 

Người Bội GiáoApostate: là một người đã rửa tội chối bỏ (bằng lời nói hay hành động) một phần hay toàn bộ đức tin Công Giáo (GL 1917, đ.1325,2).  Người phạm tội bội giáo bị vạ tuyệt thông tiền kết.

Các Tôn Giáo Ngoài Công GiáoNon-Catholic Religions: Trong tương quan với các tôn giáo ngoài Công Giáo, Giáo Hội Công Giáo truyền dạy như một tín điều rằng, chỉ có một tôn giáo thật và một Thiên Chúa thật. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, tất cả các tôn giáo ngoài Công Giáo đều sai lầm và thuộc về ma quỷ. Giáo Hội Công Giáo cũng dạy rằng, ngoài Giáo Hội Công Giáo không có ơn cứu độ (extra ecclesiam nulla salus). Tín điều này đã được minh định và phán quyết từ toà – ex cathedra – nhiều lần bởi các Giáo Hoàng. Đức Grêgorio XVI dạy rằng: “Chúng ta hãy khợi khen thánh Gregorio Cả, người chứng thực rõ ràng giáo huấn này của Giáo Hội Công Giáo. Ngài nói, Hội Thánh Công Giáo dạy rằng, không thể nào tôn thờ Thiên Chúa chân thật ở ngoài Hội Thánh Công Giáo và khẳng định rằng tất cả những ai ở ngoài Hội Thánh Công Giáo sẽ không được cứu độ. Các hành động chính thức của Giáo Hội cũng rao giảng cùng một tín điều như thế. Bởi vậy, trong sắc lệnh về đức tin của Đức Innocentê III ban hành ở công đồng Laterano IV cũng viết rằng: Chỉ có một Giáo Hội phổ quát cho mọi tín hữu và ngoài Giáo Hội đó không ai được cứu.” (Đức Gregory XVI, Summo Lugiter Studio – TĐ về Hôn Nhân Hỗn Hợp – ngày 27/5/1932, #5).

Đức Eugene IV, qua sắc lệnh Cantate Domino, Công Đồng Florence (1439-1445),  long trọng dạy rằng: “Hội Thánh Công Giáo Rôma tin tưởng vững vàng, tuyên xưng và truyền dạy rằng tất cả những ai ở ngoài Giáo Hội Công Giáo, không chỉ là dân ngoại mà thôi nhưng cả những người Do-thái, lạc giáo hay ly giáo, không thể được dự phần sự sống đời đời và sẽ phải vào lửa đời đời được dành sẵn cho ma quỷ và các thiên thần của nó, nếu họ không tháp nhập vào Giáo Hội trước khi kết thúc cuộc sống của họ; rằng sự hợp nhất với thân thể giáo hội là tối cần thiết và chỉ những ai gắn bó bó với Giáo Hội mới làm cho các  các bí tích góp phần sinh ơn cứu độ và làm cho các việc ăn chay, bố thí, và các thực hành đạo đức khác phát sinh phần thưởng đời đời; rằng không ai có thể được cứu nếu họ không kiên tâm ở trong lòng Giáo Hội và hợp nhất với Giáo Hội, bất kể họ họ bố thí bao nhiêu hay dù phải đổ máu nhân danh Đức Kitô.” (Denzinger, 714). 

Ngoại Giáo – Paganism: Từ Ngoại Giáo ám chỉ các tôn giáo lầm lạc và đa thần như Phật Giáo, Hindu, Bà La Môn v.v. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, thần của các tôn giáo dân ngoại là ma quỷ. Tác giả Thánh Vịnh 95 nói: “Vì thần của muôn dân hết thảy chỉ là tà thần, còn Giavê, chính Người đã dựng nên các tầng trời.” (Tv 95, 5). Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Corintô: “Có phải đồ cúng là gì, hay tượng thần là gì hay sao? Song có điều là những vật người ta tế, là tế cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ” (1Cr 10, 19-20). Đức Pio XI nói: “Ngài (Thánh Augustino) đã đúc kết trong những trang viết của rằng, tất cả những ham muốn vô độ và sự điên rồ, mọi sự giận dữ và dâm đãng, được ma quỷ đưa vào trong cuộc sống của con người qua việc tôn thờ các thần giả dối.” (Đức Pio XI, Ad Salutem Humani – TĐ về Thánh Augustino – ngày 20/4/1930, #27).

Cần phân biệt, các tôn giáo ngoài Công Giáo và những người theo các tôn giáo đó. Các tôn giáo ngoài Công Giáo là sai lầm vì các tôn giáo đó không phải là con đường cứu độ – vehicle or means of salvation. Còn những người theo các tôn giáo đó, chúng ta cầu nguyện cho họ được ơn hoán cải tin theo Đạo Chúa và phó dâng họ cho Thiên Chúa, là Đấng duy nhất ra lề luật và xét xử. 

Đạo Hồi/Người Hồi Giáo – Islam/Muslim: Là tôn giáo lầm lạc được mạc khải qua vị tiên tri giả Muhammad. Người Hồi Giáo tin theo cuốn Kinh Koran. Người Hồi Giáo phủ nhận Thiên Chúa Ba Ngôi và thần tính của Đức Kitô. Họ chối bỏ Thiên Chúa chân thật nên không thể có chuyện người Hồi Giáo tôn thờ một Thiên Chúa chân thật. Theo giáo huấn Công Giáo, Hồi Giáo là giáo phái ghê tởm và ma quỷ. Những người Hồi Giáo bị coi là những người vô tín cần phải được hoán cải để hưởng ơn cứu độ. Đức Eugene IV dạy tại công đồng Basel năm1434 rằng: “…có một hy vọng rằng nhiều người từ giáo phái ghê tởm của Mahomet sẽ được hoán cải sang đức tin Công Giáo.”[6] Còn Đức Calisto III quả quyết: “Tôi nguyện sẽ vinh danh đức tin chân thật và bứng tận gốc rễ giáo phái ma quỷ (Hồi Giáo) của Mahomet, kẻ vô tín và bị chúc dữ, khỏi vùng đất phía Đông.[7]

Do-thái Giáo – Judaism: Là đạo của Giao Ước Cũ được Thiên Chúa thiết ban qua trung gian của Mô-sê. Do-thái Giáo phủ nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng Messiah, Đấng Cứu Thế, không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, không tin Chúa Ba Ngôi.  Ngày nay, họ vẫn tuân giữ Luật Cũ và trông chờ Đấng Messiah đến!! Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, kể từ sau cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, Giao Ước cũ đã chấm dứt và bị bãi bỏ. Do vậy sẽ là trọng tội nếu vẫn còn tuân giữ nó, và rằng những người còn trung thành với Do-thái giáo sẽ không được cứu độ nếu không tin theo Chúa Giêsu và đức tin Công Giáo. Công Đồng Florence (1431-1447) đã long trọng tuyên bố: “Giáo Hội tin tưởng vững vàng, tuyên xưng và truyền dạy rằng những quy định của Luật Cũ hay Luật Mô-sê, dưới hình thức các nghi lễ, nghi thức thánh, hy tế và bí tích, vì được thiết lập để biểu thị một thực tại tương lai, và dù chúng đã tỏ ra phù hợp cho việc thờ phượng trong thời kỳ đó, một khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã đến, tất cả những quy định này của Luật Cũ bị chấm dứt và bắt đầu các bí tích của Giao Ước Mới. Bất cứ ai, kể từ sau cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, còn đặt hy vọng và quy phục những quy định này, như thể niềm tin vào Chúa Kitô mà không có chúng cũng không thể được cứu, thì phạm trọng tội…Vì vậy Giáo Hội tuyên bố rằng, sau khi tin mừng được loan báo, tất cả những ai vẫn còn tuân giữ phép cắt bì, ngày Sa-bát và các quy định khác của Luật Cũ, là những người xa lạ với đức tin của Đức Kitô và không thể chia sẻ ơn cứu độ đời đời nếu họ không từ bỏ những sai lầm này…” (Denzinger, 712).

Đức Benedictô XIV đã trích lại lời của Thánh Bernado, dạy rằng: “chắc chắn là không thừa khi Giáo Hội đã ấn định lời cầu nguyện phổ quát được sớm chiều dâng lên cầu cho những người Do-thái vô tín, ngõ hầu Chúa cất đi bức màn che phủ tâm hồn họ, để họ được giải thoát khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng chân lý. Nếu không tin tưởng rằng những kẻ không tin rồi sẽ tin, thì sẽ là vô ích và trống rỗng khi cầu nguyện cho họ.” (Benedicto XIV, A Quo Prium – TĐ về Do Thái Giáo ở Ba Lan, ngày 14/6/1751, #4).

Ơn Bất Khả Ngộ – Infallibility: Công Đồng Vatican I long trọng truyền dạy về ơn Bất Khả Ngộ như sau: “vì trung thành tuân giữ truyền thống được lãnh nhận từ khởi đầu đức tin Kitô Giáo, vì vinh quang của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, vì vinh danh Đức Tin Công Giáo, và vì ơn cứu độ của các tín hữu, chúng tôi, với sự phê chuẩn của thánh công đồng, truyền dạy và xác định như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải rằng: Giáo Hoàng Rôma, khi ngài lên tiếng dạy từ toà – ex cathedra – nghĩa là khi hành động trong chức vụ là mục tử và thầy dạy của toàn dân Kitô Giáo, do quyền tông toà tối cao của ngài, ngài xác định một tín điều liên quan đến đức tin và luân lý phải được tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội, thủ đắc qua sự trợ giúp của thần linh được hứa ban cho ngài trong thánh tông đồ Phê-rô, sự vô ngộ mà Đấng Cứu Độ đã muốn ban cho Giáo Hội trong việc xác định tín điều liên quan đến đức tin và luân lý; và vì vậy những xác định đó của chính Giáo Hoàng, chứ không phải do sự đồng thuận của Giáo Hội, là không thể thay đổi.” (Denzinger, 1839).

Vậy bất cứ ai – Thiên Chúa cấm – dám mạo muội phủ nhận định nghĩa này của chúng tôi thì bị vạ tuyệt thông. (Denzinger, 1840). 

Chính Thống Giáo Đông PhươngEastern Orthodox: Chính Thống Giáo ra đời là hậu quả của cuộc Đại Ly Giáo – Schism – khỏi Giáo Hội Công Giáo năm 1054. Chính Thống Giáo phủ nhận địa vị tối cao và không vâng phục Giáo Hoàng. Họ cũng phủ nhận luôn giáo lý của 13 công đồng trước đó của Giáo Hội Công Giáo. Họ cho phép ly dị và tái hôn. Theo Giáo Lý Công Giáo, Chính Thống Giáo bị coi là lạc giáo và ly giáo. Họ cần phải được hoán cải vì sự hợp nhất của Giáo Hội và vì phần rỗi của chính họ. Vì thế, Đức Benedictô XIV dạy: “trước hết, vị thừa sai, người đang nỗ lực với sự trợ giúp của Chúa để đưa những kẻ ly giáo Hy Lạp và Đông Phương trở về với sự hợp nhất, cần cống hiến tất cả sức lực của mình cho mục tiêu duy nhất này, là giải thoát họ khỏi những giáo lý sai lệch với đức tin Công Giáo. Cha ông họ đã thuận theo những sai lầm này như những nguyên cớ để tách khỏi sự hợp nhất với Giáo Hội và không dành cho Giáo Hoàng lòng kính trọng và vâng phục như ngài đáng được hưởng với tư cách là thủ lãnh của Giáo Hội.” (Benedicto XIV, Allatae Sunt – TĐ Về Việc Tuân Giữ Các Nghi Thức Đông Phương, ngày 26/7/1755, #19).

Lời Thề Giáo HoàngPapal Coronation Oath: Dù không rõ ai là tác giả đã soạn lời thề này linh thiêng này, nhưng theo biên niên sử Giáo Hội, thánh Giáo Hoàng Agatho là người đầu tiên tuyên thệ vào ngày 27/6 năm 678. Kể từ đó trở đi, tất cả các Giáo Hoàng đều tuyên thệ lời thề này. Đây là nội dung của lời thề:

Tôi thề không thay đổi điều gì trong Truyền Thống được lãnh nhận, và không cho phép bất cứ một sự xâm phạm, thay đổi hay đổi mới nào trong những gì đã được bảo vệ bởi các đấng tiền nhiệm được Thiên Chúa sủng ái của tôi.

Trái lại, với lòng yêu mến nồng nàn như một người học trò và người kế vị trung thành, tôi sẽ kính cẩn bảo vệ bằng trọn sức lực, điều tuyệt hảo được truyền lại cho tôi.

Để làm trong sạch tất cả những gì sai lệch với giáo luật, để bảo vệ những quy điển đức tin và các sắc lệnh của các Giáo Hoàng như là những thánh chỉ bởi Trời, bởi ý thức được Đấng mà nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi được đặt vào chỗ của Ngài, được làm đại diện cho Ngài do sự trợ giúp của Ngài, và ý thức phải trả lẽ nghiêm minh trước Toà Thiên Chúa về tất cả, tôi xin tuyên thệ:

Tôi xin cam kết cùng Thiên Chúa Toàn Năng và Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Kitô, sẽ tuân giữ tất cả những gì đã được mạc khải qua Đức Kitô và các Đấng Kế Vị Ngài, tất cả những gì mà các công đồng trước đây và các đấng tiền nhiệm đã xác quyết và tuyên bố.

Tôi sẽ gìn giữ cách không khoan nhượng kỷ luật và nghi lễ của Giáo Hội. Tôi sẽ loại ra khỏi Giáo Hội bất cứ ai dám đi ngược lại lời cam kết này, dù người đó là ai hay chính tôi đi nữa.

Nếu tôi dám hành động trái ngược hoặc cho phép điều đó xảy ra, Chúa sẽ trừng phạt tôi trong Ngày Đáng Sợ của Công Lý Chúa.

Theo đó, không có miễn trừ, chúng tôi khiêm khắc phạt vạ tuyệt thông bất cứ ai- dù đó là chúng tôi hay ai khác – dám làm điều gì mới trái ngược với Truyền Thống phúc âm đã được thiết định và sự tinh ròng của Đức Tin chính thống của Kitô Giáo, hoặc mưu toan thay đổi qua những nỗ lực phản kháng, hoặc đồng ý với những người dám làm việc liều lĩnh phạm thượng này.

Lời thề không thay đổi điều gì trong Truyền Thống được lãnh nhận trên đây được xác nhận qua xác quyết sau đây của công đồng Vatican I: “Vì Thánh Thần không được ban cho các đấng kế vị Phê-rô để giúp họ khai mở giáo lý mới, nhưng để giúp họ kính cẩn bảo vệ mạc khải được truyền lại qua các tông đồ và kho tàng đức tin, và trung thành truyền đạt lại cho các thế hệ. Thật vậy, tất cả các giáo phụ đáng kính đã gìn giữ giáo lý tông truyền, và các Tiến Sỹ chính hiệu đã tôn kính và tuân theo giáo lý ấy, hiểu biết trọn vẹn rằng, Toà Phê-rô luôn đứng vững trước bất kỳ sai lầm nào theo như lời Chúa Cứu Thế của chúng ta đã hứa với thủ lĩnh các tông đồ của Ngài: Ta cầu nguyện cho ngươi để đức tin của ngươi không bị huỷ hoại; phần ngươi, một khi đã hoán cải, hãy củng cố anh em ngươi (Lc 22, 32).” (Denzinger, 1836).

Người Tin Lành/Thệ PhảnProtestant: Là những người đi theo Martin Luther sau cuộc cách mạng và thoát ly khỏi Giáo Hội Công Giáo của ông ta năm 1517. Những người Tin Lành hội đủ các yếu tố của người lạc giáo và ly giáo. Họ chối bỏ nhiều tín điều trong kho tàng đức tin Công Giáo, nhất là trong các lĩnh vực Bí Tích, Chức Linh Mục, Đức Maria, Quyền Tối Thượng Của Giáo Hoàng, Ơn Công Chính Hoá, Sự Cần Thiết Của Đức Tin và Việc Làm, Sự Chuyển Cầu Của Các Thánh…nói tóm lại, họ là những người chối bỏ toàn bộ đức tin Công Giáo bởi như đã nói ở trên, ai chối bỏ dù chỉ là một tín điều trong kho tàng đức tin là chối bỏ toàn bộ đức tin vì họ chối bỏ Thiên Chúa là chân lý tối thượng và là “nguyên nhân mô thể của đức tin.” Do vậy, họ ngay lập tức –  automatic (ifso facto/by the fact itself ) – bị vạ tuyệt thông tiền kết.

Người Công Giáo Không Thể Tham Dự Vào Các Việc Thờ Phượng Không Công Giáo: trước Vatican II, Giáo Luật 1917, điều 1258, và tất cả các thủ bản luân lý của Giáo Hội đều lặp lại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội rằng, tham dự vào các việc thờ phượng ngoài Công Giáo là tội trọng và trái luật Chúa và chỉ có một hình thức thờ phượng Chúa chân thật và làm đẹp lòng Chúa, đó là phụng vụ Công Giáo mà thôi. Sau Vatican II, trọng tội này được khuyến khích như sẽ nói đến trong phần sau. Đức Pio XI, trong thông điệp về sự hợp nhất tôn giáo ban hành ngày 6/1/1928, dạy rằng: “vậy, thưa các hiền đệ đáng kính, thật rõ ràng tại sao Tông Toà này không bao giờ cho phép con cái mình tham dự vào các hội họp phụng vụ của những người không Công Giáo: vì sự hiệp nhất các Kitô hữu chỉ có thể được thúc đẩy bằng việc khuyến khích những người ly khai khỏi Giáo Hội trở lại với Giáo Hội thật duy nhất của Đức Kitô, vì trong quá khứ họ đã đau buồn lìa xa Giáo Hội.” (Đức Pio XI, Mortalium Alimos – TĐ Về Hiệp Nhất Tôn Giáo, ngày 6/1/1928, #10) 

Việc Mất Giáo Vụ (chức vụ trong Giáo Hội) – the loss of ecclesiastical office: Giáo sỹ, gồm cả Giáo Hoàng, Giám Mục và Linh Mục, tức khắc bị mất chức vụ do chính sự kiện mà không cần phải chờ đến một phán quyết nào, nếu công khai giảng dạy hoặc chối bỏ một chân lý đức tin Công Giáo (GL 1917, đ.188, 4). Một hành vi bị coi là công khai nếu nó đã được mọi người biết hoặc trong những hoàn cảnh mà nó có thể hay phải được khôn ngoan phán đoán là sẽ dễ dàng trở nên công khai. (GL 1917, đ.2197,1).

Ngoài ra, những ai không hiệp thông với Phê-rô cũng không thể chia sẻ quyền của Phê-rô. Đức Leo XIII dạy rằng: “không một ai ở ngoài sự hiệp thông với Phê-rô có thể chia sẻ quyền của ngài, vì thật vô lý rằng một người ở bên ngoài lại có thể điều hành bên trong Giáo Hội.” (Đức Leo XIII, Satis Cognitum – Thông Điệp về Hiệp Nhất Giáo Hội – ngày 29/6/1896, #15)

Thánh Robert Bellarmine, tiến sỹ Hội Thánh, cũng dạy dạy rằng: “một Giáo Hoàng bộc lộ là lạc giáo thì ngay lập tức – automatic/ifso facto – không còn là giáo hoàng và là đầu nữa, cũng như ngay lập tức không còn là một kitô hữu và thành viên của Giáo Hội. Do vậy, người ấy có thể bị kết án và trừng phạt bởi Giáo Hội. Tất cả các Giáo Phụ cổ thời đều dạy dạy rằng những kẻ lạc giáo ngay lập tức mất mọi quyền tài phán.[8]

Thánh tiến sỹ Phan-xi-cô đờ- san (Francis de Sales), dạy: “Khi Giáo Hoàng trở nên một lạc giáo công khai, ngay lập tức (automatic/ifso facto) mất hết mọi chức vụ và loại mình ra khỏi Giáo Hội.[9]

++++++++

             (đọc tiếp phần 2)

[1] John W. O’Malley, What Happened at Vatican II (Cambridge, Mass.: Belknap Press: An Imprint of Harvard University Press, 2010), 23.

[2] O’Malley, 23.

[3] O’Malley, 23,33,34.

[4] O’Malley, 35.

[5] Pietro and Piolanti Perente Antonia and Garofalo, Salvatore, Dictionary of Dogmatic Theology, Third Printing edition (Bruce Pub. Co., 1957), 73–74.

[6] Decrees of Ecumenical Councils – Tuyển Tập Các Sắc Lệnh của Các CĐ Hoàn Vũ – NXB Sheed & Ward  và Georgetown University Press, 1990, vol I, trang 479

[7] Warren H. Caroll, A History of Christendom – Một Lịch Sử Kitô Giáo, Front Royal, Virginia: Christemdom Press, Vol iii, trang 571

[8] St. Robert Bellarmine, De Romana Pontifice, Quyển.2, chương 30

[9] St. Francis De Sales, The Catholic Controvesy, Rockford, Illinois: Tan Books, 1999, trang 305-306