CUỘC CÁCH MẠNG MANG TÊN CÔNG ĐỒNG VATICAN II – P2

CÁCH MẠNG TRONG GIÁO THUYẾT

Phần này giúp độc giả hiểu cách sâu sắc hơn tại sao Vatican II được gọi là cuộc cách mạng trong lịch sử Giáo Hội. Vatican II dạy những điều vốn đã bị các Giáo Hoàng và các công đồng trước đây kết án là sai lầm. Bằng cách này, Vatican II gián tiếp phủ nhận giáo huấn của các công đồng trước đây, gián tiếp coi giáo huấn trước đây của Giáo Hội là sai lạc hoặc không còn phù hợp nữa!

Cần đọc những điều dưới đây trong bối cảnh những lời cảnh báo của Thánh Kinh, của Đức Mẹ, và của các ĐGH như đã nói ở bài 1 đó là: Sẽ có một Apostasy – tức sự phản bội hay chối bỏ đức tin lớn lao – xảy ra trước ngày Chúa đến.

Sau đây chúng ta cùng điểm qua những giáo huấn xa lạ của Vatican II được chứa đựng trong các văn kiện: Lumen Gentium; Gaudium et Spes; và Unitatis Redintegratio.

Lumen Gentium (LG)- Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội. 

LG chứa đựng một số lời dạy khiến mọi người sửng sốt vì mức độ xa lạ với giáo huấn trước đây của Giáo Hội:

Thứ nhất: Vatican II dạy rằng, GH thật của Đức Kitô không phải là GH Công Giáo nhưng chỉ tồn tại trong đó mà thôi! (subsit in Ecclesia Catholica – LG 8). Điều này được tái khẳng định trong các văn kiện sau Vatican II, nhất là trong Bộ Giáo Luật 1983, Giáo Lý 1992, #870; trong Tuyên Ngôn 1992 về Giáo Hội và Hiệp Thông. Giáo thuyết mập mờ này gián tiếp nhìn nhận rằng, GH thật của Đức Kitô cũng tồn tại trong các bè ly giáo và lạc giáo khác. Giáo lý này của Vatican II hoàn toàn trái nghịch với lời dạy của GH trong các Thông Điệp Satis Cognitumcủa Đức Leo XIII, Mortalium Animoscủa Đức Pio XI, Mystici Corporiscủa Đức Pio XII…

Thứ hai:  Vatican II dạy rằng, Giáo Hội liên kết cả với những người không tuyên xưng đức tin trọn vẹn và không hiệp thông với Giáo Hoàng, tức những người lạc giáo và ly giáo!

Ta cùng đọc những lời sau: “vì một số lý do, Giáo Hội nhìn nhận mình cũng được liên kết với những người, dầu đã được rửa tội và mang danh Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn và duy trì sự hiệp thông với đấng kế vị thánh Phê-rô.” (LG, 15).

Giáo huấn xưa nay của Giáo Hội và các Giáo Hoàng vẫn nhất quán dạy rằng Giáo Hội không có hiệp thông gì với những người lạc giáo và ly giáo bởi họ không thuộc về Giáo Hội. Họ cần phải hoán cải và trở về với Giáo Hội chứ không phải ngược lại.

Đức Pio VI dạy: “Cuối cùng, tắt một lời: hãy ở gần chúng tôi. Vì không một ai có thể ở trong Giáo Hội của Chúa Kitô mà lại không ở trong sự hiệp nhất với vị thủ lĩnh hữu hình và được đặt nền trên Toà của Phê-rô.” (Charitas – TĐ Về Lời Thề Dân Sự Ở Pháp, ngày 13/4/1791, #32).

Đức Pio IX cũng dạy rằng: “có vô số những bằng chứng từ các chứng nhân đáng tin cậy, chứng thực cách rõ ràng công khai với một đức tin lớn lao, sự chính xác, kính trọng và vâng phục rằng, tất cả những ai muốn thuộc về Giáo Hội duy nhất và chân thật của Chúa Kitô phải tôn kính và vâng phục Tông Toà và Giáo Hoàng.” (Amantissimus – TĐ Về Mối Quan Tâm Của GH, ngày 8/4/1862, #3).

Đức Leo XIII dạy rằng: “Thực hành của Giáo Hội xưa nay vẫn vậy, như được chứng minh qua giáo huấn nhất quán của các Giáo Phụ rằng, bất cứ ai chối bỏ dù chỉ là mức độ nhỏ nhất trong một điều nào đó của giáo lý được trình bày bởi giáo huấn uy quyền của Giáo Hội, thì họ bị coi như ở ngoài sự hiệp thông Công Giáo.” (Satis Cognitum – TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #9).

Việc Vatican II dạy Giáo Hội có liên hệ với những người lạc giáo và ly giáo qủa thật đó là một lời dạy hoàn toàn xa lạ và đối nghịch với giáo huấn trước đây của Giáo Hội.

Thứ ba: Vatican II dạy rằng, những người lạc giáo và ly giáo cũng tôn kính Lời Chúa với lòng đạo nhiệt thành!

Cùng đọc những lời này “nhiều người chứng tỏ lòng đạo nhiệt thành, họ tôn kính Thánh Kinh và lấy nó làm mô phạm cho đức tin và đời sống của mình” (LG, 15).

Giáo huấn trước đây của Giáo Hội dạy hoàn toàn khác mà rằng: “Thật vậy, các hiền đệ biết rằng ngay từ những thời kỳ đầu của Kitô Giáo, việc chối bỏ Lời Chúa và phủ nhận quyền của Giáo Hội Công Giáo là cái tài đặc biệt của những kẻ lạc giáo, họ xuyên tạc và thay đổi ý nghĩa của Lời Chúa.” (Đức Gregory XVI, Inter Praecipuas – TĐ Về Các Hội Thánh Kinh, ngày 8/5/1844, #2).

Thứ bốn: Vatican II dạy rằng, việc không tin Thiên Chúa có là có thể biện minh được!

LG dạy rằng: “Những người, không do lỗi của mình, chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng nhưng vẫn cố gắng sống tốt lành thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ giúp cần thiết để họ được cứu rỗi” (LG, 16).

Qua những lời trên, Vatican II dạy rằng, việc không tin vào Thiên Chúa là có thể biện minh được nếu đó không phải do lỗi của người ta! Điều này trái ngược với Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội.

Kinh Thánh dạy rằng, con người có lý trí có thể nhận biết có Thiên Chúa qua công trình tạo dựng của Ngài, khi họ chiêm ngắm cỏ cây muông thú, chim trời cá biển, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên bầu trời. Không có lý do gì có thể biện minh cho việc không tin vào Thiên Chúa. Luật tự nhiên kết án kẻ không tin. Đó là chân lý mạc khải của Thánh Kinh.

Hãy nghe điều thánh Phaolô đã nói với dân ngoại như sau: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo” (Rm 1,19-21).

Như vậy Thánh Phaolô dạy rằng, những người vô thần không thể biện minh được vì Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho họ qua công trình tạo dựng của Ngài. Còn Vatican dạy rằng, người vô thần có thể biện minh được!

Giáo huấn của Vatican II cũng trái nghịch với giáo huấn của công đồng Vatican I. Vatican I dạy rằng, con người hoàn toàn có thể nhận biết Thiên Chúa qua thế giới thụ tạo và nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí. Ai chối bỏ chân lý này thì bị vạ tuyệt thông. Thật vậy, Vatican I dạy rằng:

Nếu ai phủ nhận Thiên Chúa duy nhất chân thật là Đấng Tạo Dựng và là Chúa của muôn vật hữu hình và vô hình thì bị vạ tuyệt thông. (Denzinger, 1801)

Nếu ai nói rằng Thiên Chúa duy nhất chân thật, Đấng Tạo Dựng và Chúa của chúng ta, không thể được nhận biết cách chắc chắn bởi thế giới thụ tạo, và bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, thì bị vạ tuyệt thông. (Denzinger, 1806)

Thứ năm: Vatican II dạy rằng, người Công Giáo tôn thờ cùng một Thiên Chúa như người Hồi Giáo!

Cùng đọc những lời sau: “Nhưng kế hoạch cứu độ cũng bao gồm những ai nhìn nhận Đấng Tạo Dựng, trong số đó trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo, họ tuyên xưng, tuân giữ đức tin của Abraham, cùng với chúng ta (những người Công Giáo), họ tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Đấng sẽ phán xét con người trong ngày sau hết” (LG, 16).

Đây có lẽ là một trong những tuyên bố kinh hoàng nhất của Vatican II! Người Công Giáo tin Chúa Ba Ngôi là Cha-Con-và Thánh Thần, tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, đã chết và sống lại để cứu chuộc loài người… Người Hồi Giáo không tin những chân lý này. Vậy một đứa trẻ cũng hiểu rằng, người Công Giáo chúng ta không thờ chung một Thiên Chúa với người Hồi Giáo. Người phủ nhận Chúa Ba Ngôi không thể nào có chung một Chúa với người tin thờ Chúa Ba Ngôi. Vậy nói những người không tin thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thờ chung một Thiên Chúa với chúng ta là gián tiếp chối bỏ màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh.

Hẳn nhiều người sẽ biện minh cho lời dạy này của Vatican II bằng cách lý luận rằng, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi và Thiên Chúa là đấng nhân từ. Và rằng Thiên Chúa của người Hồi Giáo cũng có thuộc tính là duy nhất và nhân từ giống như Thiên Chúa của của người Công Giáo. Và bởi người Hồi Giáo chỉ thờ một Đấng nhân từ chứ không phải nhiều Đấng như những người đa thần, vậy nên họ thờ cùng một Thiên Chúa giống như những người Công Giáo! Nếu điều này đúng thì ta có thể nói tương tự rằng, bất cứ ai thờ một đấng nào là duy nhất và nhân từ, người đó thờ cùng một Thiên Chúa với người Công Giáo. Vậy có khác chi nếu nói rằng, bất cứ ai thờ Lucifer là đấng là duy nhất và nhân từ, người đó thờ chung một Thiên Chúa với chúng ta! Vô lý!

Công Đồng Rôma năm 382 đã long trọng truyền dạy như tín điều rằng:

Bất cứ ai chối rằng Chúa Cha hằng hữu, Chúa Con hằng hữu, Chúa Thánh Thần hằng hữu, đó là kẻ lạc giáo.” (Denzinger, 68)

Bất cứ ai phủ nhận Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật, như Chúa Cha là Thiên Chúa, là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, và ngang hàng với Chúa Cha, thì là kẻ lạc giáo.” (Denzinger, 70)

Bất cứ ai phủ nhận Chúa Thánh Thần là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, và hiện diện ở mọi nơi, như Chúa Cha và Chúa Con, thì là kẻ lạc giáo.” (Denzinger, 75)

Thêm nữa là, Chúa Giêsu Kitô mới là Đấng phán xét con người trong ngày sau hết như trong kinh tin kính ta đọc: “Người (Chúa Giêsu Kitô) sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Người Hồi Giáo không tin Chúa Giêsu Kitô là Đấng sẽ phán xét con người trong ngày sau hết. Vậy nếu chấp nhận Thiên Chúa của người Hồi Giáo là Đấng phán xét con người trong ngày sau hết, như thếlà đồng nghĩa với việc chối bỏ Chúa Giêsu Kitô là Đấng phán xét con người trong ngày sau hết!

Công đồng Roma năm 382, đã truyền dạy tiếp rằng: “Ai không tuyên xưng Người (Chúa Giêsu Kitô) ngự bên hữu Chúa Cha trong xác phàm và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, đó là kẻ lạc giáo.” (Denzinger, 73) 

Thứ sáu: Vatican II dạy rằng, Giám Mục Đoàn, khi và chỉ khi hợp nhất với Giáo Hoàng, cũng thủ đắc quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội.?

Cùng đọc những lời sau: “Hàng Giám Mục, những người kế vị Tông Đồ Đoàn trong việc giảng dạy và cai quản, chính nhờ hàng Giám mục mà Tông Đồ Toàn được trường tồn không gián đoạn, khi và chỉ khi hiệp nhất với Giáo Hoàng là thũ lãnh, Hàng Giám Mục cũng có quyến bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội. Nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự đồng ý của Giáo Hoàng.” (LG, 22)

Như vậy, Vatican II nhìn nhận Giám Mục Đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội với điều kiện là phải hiệp nhất với Giáo Hoàng. Dù đặt thêm điều kiện “phải hiệp nhất với Giáo Hoàng”, việc tuyên bố Giám Mục Đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội là lời khẳng định mang tính cách mạng, khác xa những giáo huấn trước đó của Giáo Hội như ta thấy dưới đây.

Đức Boniface VIII, qua Sắc Lệnh Unam Sanctam ban hành ngày 18/11/1302, dạy rằng: “Vì vậy, Giáo Hội duy nhất chỉ có một thân thể và một đầu, là Đức Kitô, không phải 2 đầu như quái vật, và đại diện Đức Kitô là Thánh Phê-rô và các đấng kế vị Phê-rô.”

Đức Leo XIII dạy rằng: “do việc các Giám Mục kế vị các Tông Đồ, họ thừa hưởng quyền bính thông thường, và các Giám Mục là phần cấu thành căn bản của Giáo Hội. Mặc dầu họ không có quyền bính trọn vẹn, phổ quát, và tối cao, họ không bị coi như là những đại diện của Giáo Hoàng, bởi vì họ họ thi hành quyền bính của chính họ và thực sự được coi là các mục tử thông thường của đoàn chiên mà họ hướng dẫn.” (Satis Cognitum – TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #15)

Đức Leo XIII dạy tiếp: “quyền của Giáo Hoàng là tối cao, phổ quát và độc lập, còn quyền của Giám Mục thì giới hạn và lệ thuộc.” (Satis Cognitum – TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #15).

Đó là một vài dẫn chứng tiêu biểu về những lời dạy khác lạ chứa đựng trong văn kiện Lumen Gentium của Vatican II.

Gaudium et Spes (GS) – Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Đại.

Văn kiện này của Vatican II cũng chứa đựng những giáo huấn hoàn toàn xa lạ với giáo huấn của Giáo Hội trước đây. Điểm đáng chú ý nhất:  

Vatican II dạy rằng, qua màu nhiệm Nhập Thể, Đức Kitô kết hợp với tất cả mọi người.!

Cùng đọc những lời sau: “Vì nhờ màu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã lao động với đôi tay con người, đã suỹ nghĩ với trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, và đã yêu mến với trái tim con người” (GS, 22).

Lời khẳng định trên tiếp tục được Gioan Phaolô II nhắc tới nhiều lần trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Loài Người – Redemptoris Hominis: “Chúa Kitô đã chứng tỏ điều này cách đặc biệt, như Công Đồng dạy, nhờ màu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người.” (#13).

Chưa bao giờ Giáo Hội dạy rằng sự kết hợp giữa Đức Kitô và mọi người bắt nguồn từ chính màu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, sự kết hợp giữa Đức Kitô và mọi người chỉ có được nhờ đức tin và phép rửa mà thôi, và Giáo Hội Công Giáo chính là phương tiện giúp mọi người thiết lập mối dây liên kết với Đức Kitô. Đưa mọi người kết hợp với Đức Kitô (truyền giáo) là lý do tồn tại của Giáo Hội. Nếu mọi người đã được kết hợp với Đức Kitô nhờ màu nhiệm Nhập Thể, thì Giáo Hội đã mất đi lý do chính yếu cho sự tồn tại của mình. Đâu cần phải truyền giáo nữa bởi mọi người đã được kết hợp với Đức Kitô rồi!

Nếu mọi người đã được kết hợp với Đức Kitô nhờ màu nhiệm Nhập Thể, thì đâu là giá trị của của màu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô?  Phải chăng khi đó màu nhiệm Vượt Qua (màu nhiệm sự chết-sống lại và lên trời của Chúa Giêsu Kitô) chỉ còn là dấu chỉ của sự kết hợp giữa Đức Kitô và mọi người vốn đã tồn tại và vẫn tồn tại từ biến cố Nhập Thể?

Không phải như vậy. Giáo Hội xưa nay chỉ dạy rằng, sự kết hợp giữa con người tội lỗi và Đức Kitô chỉ có thể có được nhờ đức tin và phép rửa. Tội nguyên tổ không thể được tha bằng bất kỳ cách nào khác ngoài đức tin và phép rửa. Và chỉ khi tội nguyên tổ được tha, con người mới được giao hoà và kết hợp với Đức Kitô, và đồng thời được nhận là nghĩa tử của Thiên Chúa.

Công Đồng Florence dạy rằng: “với các trẻ em, do nguy cơ cái chết hay xảy đến, nên không một phương dược nào có thể được đem đến tốt hơn cho các em là bí tích rửa tội, nhờ đó, các em được giải thoát khỏi sự thống trị của ma quỷ và thâu nhận làm con cái Thiên Chúa.” (Denzinger, 712)

Đức Pio XI cũng dạy rằng: “Các sách Tin Mừng trình bày vương quốc này (vương quốc siêu nhiên) như một vương quốc mà con người chuẩn bị bước vào bằng việc sám hối, và chỉ thực sự bước vào nhờ đức tin và phép rửa, dù chỉ là nghi thức bề  ngoài nhưng thực sự diễn tả và làm phát sinh một sự tái sinh bên trong.” (Qua Primas – TĐ Về Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 11/12/1925, #5)

Cũng cần nói thêm rằng, sự kết hợp với Đức Kitô bị triệt tiêu bởi việc tách khỏi Giáo Hội, điều mà Vatican II chẳng hề nhắc đến. Đức Leo XIII dạy rằng: “Ai tách mình khỏi Giáo Hội là kể như kết hợp với người đàn bà ngoại tình. Người đó tự loại bản thân khỏi mọi lời hứa của Giáo Hội, và người rời bỏ Giáo Hội không thể nào đạt tới những phần thưởng của Đức Kitô.” (Satis Cognitum – TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #5)

Trước khi chuyển sang văn kiện khác, điều cần lưu ý là dường như Vatican II đã khơi nguồn cho tư tưởng sùng bái con người cách cực đoan. Coi con người như là chúa tể của muôn loài và khẳng định những quyền của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm!

Vatican II tuyên bố: “người tin cũng như kẻ không tin hầu như cùng chung quan điểm rằng, mọi vật trên trái đất phải được hướng về con người như trung tâm và chóp đỉnh của chúng.” (GS, 12) Vatican II dạy tiếp: “ngày nay ý thức về phẩm giá cao trọng của con người ngày càng lớn mạnh hơn, bởi con người trổi vượt trên mọi loài và những quyền và bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm.” (GS, 26)

Vâng, nếu mọi vật phải hướng về con người như trung tâm và chóp đỉnh và quyền của con người là bất khả xâm phạm, thì con người quả thực là chúa tể của vạn vật. Con người là thước đo của vạn vật. Vậy phải chăng con người đã đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa.

Ngày nay chúng ta đang được chứng kiến việc con người đang nỗ lực điên cuồng để khẳng định quyền “phổ quát và bất khả xâm phạm” của họ. Nỗ lực này mạnh đến mức trật tự và lề luật của Thiên Chúa cũng phải ở dưới cái quyền “phổ quát và bất khả xâm phạm” của con người. Con người đang tôn mình làm chúa tể của vạn vật. Họ đang chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ chính mình!

Unitatis Redintegratio (UR) – Sắc Lệnh Về Đại Kết.

Sắc Lệnh này chứa đựng quá nhiều điều khiến khiến ta phải nhíu mày suy nghĩ. Mức độ đi xa về thần học của Sắc Lệnh này làm ta phải giật mình tự hỏi:

Thứ nhất: Phải chăng Vatican II phủ nhận Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội phổ quát duy nhất của Chúa Kitô?

Ngay ở số đầu tiên của Sắc Lệnh, ta đọc thấy những lời sau đây: “tất cả mọi người, dầu cách thức khác nhau, đều mong đợi một Giáo Hội hữu hình duy nhất, một Giáo Hội thực sự phổ quát có sứ mạng hoán cải thế giới trở về với Tin Mừng, để thế giới được cứu độ vì vinh quang Thiên Chúa.” (UR, 1)

“Một Giáo Hội hữu hình duy nhất, một Giáo Hội thực sự phổ quát có sứ mạng hoán cải thế giới trở về với Tin Mừng” là Giáo Hội nào? Phải chăng Giáo Hội Công Giáo không phải là “Giáo Hội đích thực duy nhất và phổ quát của Chúa Kitô”? Nên nhớ là chữ Công Giáo (Catholic) cũng có nghĩa là phổ quát (universal). Nên khi nói Giáo Hội Công Giáo (Catholic Church) cũng có nghĩa là Giáo Hội Phổ Quát (Universal Church). Còn nếu Giáo Hội Công Giáo đúng là “Giáo Hội đích thực duy nhất và phổ quát của Chúa Kitô”, thì tại sao Vatican II lại nói mọi người phải mong đợi một “Giáo Hội hữu hình duy nhất, một Giáo Hội thực sự phổ quát” trong khi Giáo Hội ấy đang hiện hữu? Vậy khi nói mọi người “mong đợi một Giáo Hội hữu hình duy nhất, một Giáo Hội thực sự phổ quát”, Vatican II có ý nói Giáo Hội ấy vẫn chưa xuất hiện.! Và nếu Giáo Hội ấy quả thật chưa xuất hiện, thì có nghĩa Giáo Hội Công Giáo cũng không phải là Giáo Hội đích thực, duy nhất, và phổ quát của Chúa Kitô, bởi  nếu Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội đích thực, duy nhất, và phổ quát của Chúa Kitô, thì làm gì có chuyện phải chờ đợi một GH nào nữa!?

Phải chăng Vatican II đang chối bỏ sự hiện hữu của Giáo Hội Công Giáo? Nếu ai còn nghi ngờ điều này, hãy cùng đọc lời chú giải đoạn văn kiện trên của chính Gioan Phaolô II sau đây. Trong bài giảng vào buổi kinh chiều tại Nhà Thờ Thánh An-rê và Thánh Gregoriô, trên đồi Caelian, ở Rôma, ngày 5/12/1996, Gioan Phaolô II đã nói: “khi chúng ta (Công Giáo và Anh Giáo) cầu nguyện chung với nhau, chúng ta cầu nguyện với ‘lòng mong đợi rằng sẽ có một Giáo Hội hữu hình duy nhất, một Giáo Hội thực sự phổ quát, được sai đến với toàn thế giới ngõ hầu thế giới được hoán cải về với Tin Mừng và nhờ đó mà được cứu độ vì vinh quang của Thiên Chúa’ (UR, 1)”. (trích bài giảng, số 2)[1]

Chúng ta thấy ở đây, chính Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng lòng mong đợi ‘một Giáo Hội hữu hình duy nhất của Đức Kitô’ là lòng mong đợi từ hai phía (Công Giáo và Anh Giáo), điều đó chứng tỏ rằng, qua Sắc Lệnh Về Đại Kết – UR  mà Gioan Phaolô đã trích dẫn trên, Vatican II đúng là đang mong đợi “một Giáo Hội hữu hình, duy nhất, và phổ quát của Chúa Kitô!” Do vậy, Vatican II dường như không thừa nhận Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội hữu hình, duy nhất và phổ quát của Chúa Kitô!

Nếu có ai biện minh rằng, vì có những ly giáo và lạc giáo đã xảy ra nên đã làm tổn thương Giáo Hội, khiến cho tính duy nhất và phổ quát của Giáo Hội bị giảm đi, thì hãy nhớ lời Thánh Athanasiô dạy rằng: “ngay cả khi Giáo Hội bị suy giảm xuống chỉ còn là một số ít thì đó vẫn là Giáo Hội duy nhất và đích thực của Chúa Kitô.”

Thứ hai: tất cả những kẻ lạc giáo và ly giáo đều ở trong sự hiệp thông với Giáo Hội và xứng đáng với danh xưng Kitô hữu!

Đây là lời dạy của Vatican II: “nhng người tin vào Đức Kitô và đã thực sự được rửa tội thì ở trong sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo cho dù đó chỉ là sự hiệp thông bất toàn. Những khác biệt tồn tại ở những mức độ khác nhau giữa họ và Giáo Hội Công Giáo, dù ở phương diện giáo lý hay kỷ luật, hoặc liên quan đến cơ cấu Giáo Hội, thực sự gây ra nhiều trở ngại, đôi khi là nghiêm trọng, cho sự hiệp nhất trọn vẹn của Giáo Hội. Phong trào đại kết đang nỗ lực để lướt thắng những trở ngại này. Bất chấp những trở ngại đó, tất cả những ai đã được công chính hoá bởi đức tin vào phép Rửa Tội đều là thành viên của thân thể Đức Kitô, và đáng được gọi là Kitô hữu, và do vậy được con cái Giáo Hội Công Giáo đón nhận như là anh em.” (UR, 3)

Lời tuyên bố trên của Vatican II nhắm đến những người lạc giáo và ly giáo thuộc các giáo phái Tin Lành, Anh Giáo, và Chính Thống Giáo. Với việc nhìn nhận những người thuộc các giáo phái này cũng ở trong sự hiệp thông với Giáo Hội và được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô, Vatican II đã trực tiếp đi ngược lại với lời dạy của các Đức Giáo Hoàng trước đó:

Đức Pio VI dạy: “Cuối cùng, tắt một lời: hãy ở gần chúng tôi. Vì không một ai có thể ở trong Giáo Hội của Chúa Kitô mà lại không ở trong sự hiệp nhất với vị thủ lĩnh hữu hình và được đặt nền trên Toà của Phê-rô.” (Charitas – TĐ Về Lời Thề Dân Sự Ở Pháp, ngày 13/4/1791, #32).

Đức Pio IX cũng dạy rằng: “có vô số những bằng chứng từ các chứng nhân đáng tin cậy, chứng thực cách rõ ràng công khai với một đức tin lớn lao, sự chính xác, kính trọng và vâng phục rằng, tất cả những ai muốn thuộc về Giáo Hội duy nhất và chân thật của Chúa Kitô phải tôn kính và vâng phục Tông Toà và Giáo Hoàng.” (Amantissimus – TĐ Về Các Mối Quan Tâm Của GH, ngày 8/4/1862, #3).

Đức Leo XIII dạy rằng: “Thực hành của Giáo Hội xưa nay vẫn vậy, như được chứng minh qua giáo huấn nhất quán của các Giáo Phụ rằng, bất cứ ai chối bỏ dù chỉ là mức độ nhỏ nhất trong một điều nào đó của giáo lý được trình bày bời giáo huấn uy quyền của Giáo Hội, thì họ bị coi như ở ngoài sự hiệp thông Công Giáo.” (Satis Cognitum- TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #9).

Thứ Ba: Vatican II tuyên bố đời sống ân sủng tồn tại ở ngoài ranh giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo!

Vatican II tuyên bố: “hơn nữa, có một số, thậm chí là hầu hết những yếu tố và tặng ân chính yếu góp phần xây dựng và làm sống động  cho chính Giáo Hội, cũng có thể tồn tại bên ngoài những ranh giới hữu hình của Giáo Hôi Công Giáo như: Lời Chúa được nghi trong sách thánh, đời sống ân sủng, đức tin, cậy, mến và các ơn bên trong khác do Thánh Thần ban, và cả những yếu tố hữu hình nữa” (UR, 3).

Rõ ràng Vatican II khẳng định đời sống ân sủng (trong đó bao gồm luôn ơn thánh hoá, ơn công chính hoá, ơn tha tội..) tồn tại bên ngoài ranh giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo! Điều này trái ngược hoàn toàn với lời phán dạy long trọng của Đức Boniaface VIII trong Sắc Lệnh Unam Sanctam, ngày 18/11/1302, như sau: “Với Đức Tin thôi thúc chúng tôi tin và gắn bó với Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, chúng tôi tin tưởng vững vàng và thẳng thắn tuyên xưng rằng, ngoài Giáo Hội này không có ơn cứu độ và ơn tha tội.” (Denzinger, 468)

Thứ Bốn: Vatican II khẳng định, các giáo hội và cộng đoàn ly khai cũng là những phương tiện của ơn cứu độ.!

Vatican II nói rằng: “Theo đó, những Giáo Hội và Cộng Đoàn ly khai này, dù còn khiếm khuyết về một số phương diện, chưa bị tước mất ý nghĩa và tầm quan trong trong màu nhiệm cứu độ. Vì Thánh Thần của Đức Kitô vẫn không ngừng sử dụng họ như những phương tiện của ơn cứu độ mà hiệu quả phát sinh từ chính sự sung mãn của ân sủng và chân lý đã được ký thác cho Giáo Hội” (UR, 3).

Với những lời trên, Vatican II chính thức và công khai phủ nhận tín điều “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”. Việc khẳng định các Giáo Hội và các Cộng Đoàn ly khai (hiểu là Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo…) cũng là những “phương tiện của ơn cứu độ” là một trong những đoạn tuyệt dứt khoát nhất khỏi niềm tin bấy lâu Giáo Hội vẫn tuyên xưng.

Thánh Giáo Hoàng Pio X dạy rằng: “Chỉ duy Giáo Hội mà thôi, cùng với quyền giáo huấn của mình, sở hữu quyền chăn dắt và thánh hoá xã hội loài người. Qua các thừa tác viên và tôi tớ của mình, Giáo Hội thông ban cho loài người những phương tiện thích hợp và cần thiết của ơn cứu độ.” (Editae Saepe – TĐ Về Thánh Carolo Boromeo, ngày 26/5/1910, #29)

Qua sắc lệnh Cantate Domino:Hãy Ca Tụng Chúa, Đức Eugene IV và Công Đồng Florence (1439-1445),  long trọng truyền dạy rằng: “Hội Thánh Công Giáo Rôma tin tưởng vững vàng, tuyên xưng và truyền dạy rằng tất cả những ai ở ngoài Giáo Hội Công Giáo, không chỉ là dân ngoại mà thôi nhưng cả những người Do-thái, lạc giáo hay ly giáo, không thể được dự phần sự sống đời đời và sẽ phải vào lửa đời đời được dành sẵn cho ma quỷ và các thiên thần của nó, nếu họ không tháp nhập vào Giáo Hội trước khi kết thúc cuộc sống của họ; rằng sự hợp nhất với thân thể giáo hội là tối cần thiết và chỉ những ai gắn bó bó với Giáo Hội mới làm cho các  các bí tích góp phần sinh ơn cứu độ và làm cho các việc ăn chay, bố thí, và các thực hành đạo đức khác phát sinh phần thưởng đời đời; rằng không ai có thể được cứu nếu họ không kiên tâm ở trong lòng Giáo Hội và hợp nhất với Giáo Hội, bất kể họ họ bố thí bao nhiêu hay dù phải đổ máu nhân danh Đức Kitô.” (Denzinger, 714).

Còn quá nhiều vấn đề tín lý đáng nói trong các văn kiện trên. Nhưng một số điểm trích dẫn tiêu biểu trên cũng đủ giúp chúng ta nhận ra tính cách mạng trong giáo thuyết của Vatican II. Thần Khí nào đã xui khiến Vatican II tuôn ra những giáo lýsai lạc này, những giáo lý vốn đã bị Giáo Hội nhiều lần kết án?

Cần nhắc lại phán quyết sau đây của Công Đồng Vatican I rằng: “Vì Thánh Thần không được ban cho các đấng kế vị Phê-rô để giúp họ khai mở giáo lý mới, nhưng để giúp họ kính cẩn bảo vệ mạc khải được truyền lại qua các tông đồ và kho tàng đức tin, và trung thành truyền đạt lại cho các thế hệ. Thật vậy, tất cả các giáo phụ đáng kính đã gìn giữ giáo lý tông truyền, và các Tiến Sỹ chính hiệu đã tôn kính và tuân theo giáo lý ấy, hiểu biết trọn vẹn rằng Toà Phê-rô luôn đứng vững trước bất kỳ sai lầm nào theo như lời Chúa Cứu Thế của chúng ta đã hứa với thủ lĩnh các tông đồ của Ngài: Ta cầu nguyện cho ngươi để đức tin của ngươi không bị huỷ hoại; phần ngươi, một khi đã hoán cải, hãy củng cố anh em ngươi (Lc 22, 32).” (Denzinger, 1836)

+++++++++

Đọc tiếp P3 với các văn kiện:

Orientalium Ecclesiarum: Sắc Lệnh Về Các GH Đông Phương.

Ad Gentes: Sắc Lệnh Đến Với Muôn Dân (hoạt động truyền giáo).

Nostra Aetate:  Tuyên Ngôn Về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo.

Dignitatis Humanae: Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo.

+++++++

[1] http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/homilies/1996/documents/hf_jp-ii_hom_19961205_santi-andrea-gregorio_en.html