CÁCH MẠNG TRONG PHỤNG VỤ- P4
Nếu những thay đổi trong giáo thuyết có phần kín đáo và khó nhận biết bao nhiêu, thì những đổi thay trong Phụng Vụ (PV) lại rõ ràng công khai và dễ nhận biết hơn bấy nhiêu. Ai cũng có thể nhận thấy những mới mẻ mà Vatican II đưa đến cho PV, nhất là trong Thánh Lễ như việc dâng lễ bằng tiếng địa phương, chủ tế quay mặt về phía giáo dân; hay việc bài trí trong các nhà thờ, có bàn thờ phủ khăn trắng ở giữa cung thánh, ghế chủ toạ hướng về cộng đoàn, Nhà Tạm được nhiều nơi đưa sang bên cạnh nhà thờ chứ không ở chính giữa cung thánh như trước…. Hiến Chế Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium (SC) của Vatican II chính là nền tảng định hướng để tạo ra những thay đổi trong đời sống PV của Vatican II. Tương tự như các bài trước, bài này tiếp tục chỉ cho bạn đọc thấy rõ, qua Hiến Chế SC, Vatican II đã du nhập vào PV thánh những điều đã từng bị Giáo Hội trước đây kết án nặng nề.
Thứ nhất: Vatican II mở đường cho các thói quen và tập tục của dân ngoại tràn vào PV thánh của Giáo Hội Công Giáo.!
Vatican II lên tiếng: “Giáo Hội tôn trọng và cổ võ những tinh hoa và vẻ đẹp tinh thần của các dân nước. Bất cứ những gì trong các tập tục của các dân tộc, không dính dáng chặt chẽ đến mê tín dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với lòng thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn nguyên vẹn vững chắc. Đôi khi, những tập tục đó còn được Giáo Hội thâu nhận vào trong Phụng Vụ, miễn sao chúng hoà hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính” (SC, 37)
Rồi Vatican II chỉ dẫn cho các Giáo Hội địa phương như sau: “thẩm Quyền Giáo Hội địa phương phải thận trọng và khôn ngoan cứu xét trong công việc này, những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể được chấp nhận thích đáng vào việc phụng thờ Thiên Chúa. Những thích nghi được thẩm định là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình lên Tông Tòa để được kết nạp và chuẩn y” (SC, 40.1)
Ý tưởng khuyến khích và cổ võ việc du nhập các tập tục của dân ngoại vào trong PV thánh đích thị sản phẩm của Duy Tân Thuyết. Ý tưởng này đã bị Đức Pio X kết án trong Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis, một Thông Điệp được dành riêng cho việc vạch mặt chỉ tên những giáo điều sai lầm và nguy hại với đức tin Công Giáo của Duy Tân Thuyết. Đức Pio X đã mô tả sinh động những đặc điểm sai lầm về PV của Duy Tân Thuyết như sau:
“sự thúc bách mạnh mẽ khơi lên trong lãnh vực PV là nhu cầu thích nghi PV với các thói quen và tập tục của các dân tộc, là nhu cầu làm giàu cho PV bằng chính giá trị tích luỹ được qua thời gian dài của những thói quen và tập tục ấy. Sau cùng, thuyết tiến hoá (về PV) trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bởi nhu cầu thích nghi PV với những điều kiện lịch sử và hài hoà PV với những mô hình của xã hội đương thời. Đây chính là một thứ thuyết tiến hoá tôn giáo đến từng chi tiết. Và đây, trước khi đi xa hơn, chúng tôi muốn các hiền đệ phải lưu tâm đúng mức đến thứ học thuyết của những nhu cầu và sự cần thiết này, vì đó chính là gốc rễ trong toàn hệ thống của những kẻ Duy Tân, và chính trên thứ học thuyết đó, chúng sẽ dựng nên một phương pháp nổi tiếng của chính họ có tên gọi là LỊCH SỬ.” (Pascendi Dominici Gregis – Thông Điệp Về Những Giáo Điều Duy Tân Thuyết, ngày 8/9/1907, #26)
Thật kinh ngạc, chủ trương PV của Vatican II bị Đức Pio X kết án đúng đến từng chữ từ trước đó gần 60 năm. Một lời kết án đầy tính ngôn sứ của Đức Pio X.
Thứ hai: Vatican II kêu gọi và khuyến khích sự đơn giản trong PV.
Cùng đọc những lời sau: “Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lập đi lập lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích” (SC, 34).
Vatican II dạy tiếp: “Do đó, các nghi lễ, dù vẫn hoàn toàn duy trì bản chất của chúng, nhưng phải được đơn giản hơn. Phải loại bỏ những gì, theo dòng thời gian, được gia bội hoặc thêm thắt mà ít lợi ích. Phải tái lập theo qui tắc cổ điển của các Thánh Giáo Phụ, một số những gì xét là chính đáng và cần thiết đã bị oan uổng mai một theo thời gian” (SC, 50).
Ngược dòng lịch sử ta thấy, ý tưởng coi PV cần phải được đơn giản hoá, được đọc bằng tiếng địa phương và đọc lớn tiếng, đã bị Đức Pio VI kết án là một ý tưởng sai lầm, xúc phạm Giáo Hội và đáng kết án như những kẻ lạc giáo. Thật vậy trong Sắc Lệnh Auctorem fidei, Đức Pio VI mạnh mẽ lên án: “Phải bị coi là trướng tai với những người sùng đạo, sự xúc phạm đối với Giáo Hội, và đáng kết án như những kẻ lạc giáo, việc tha thiết đề nghị rằng, cần phải nhanh chóng xoá bỏ nguyên nhân gây nên sự thờ ơ đối với các nguyên tắc của qui luật PV, bằng việc tái kêu gọi đưa PV đến với một sự đơn giản hơn về lễ nghi, bằng việc diễn tả PV bằng ngôn ngữ địa phương, bằng việc đọc lớn tiếng.” (Denzinger, 1533).
Như vậy là, những điều trong PV bị Đức Pio VI kết án là sai lầm như trong sắc lệnh trên đã bị Vatican II ngoảnh mặt làm ngơ và hối thúc đem ra áp dụng càng nhanh càng tốt.!
Thứ Ba: Để nâng cao việc tham dự tích cực trong PV, Vatican II khuyến khích dùng cả những động tác cử chỉ và thái độ của thân xác.!
Cùng đọc những lời sau: “Để phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác” (PV, 30).
Khởi đi từ việc khuyến khích sử dụng các động tác cử chỉ và thái độ của thân xác trong PV, vô số lạm dụng lố bịch đã được đưa vào trong PV thánh lễ như các kiểu múa may nhảy nhót, múa rồng, múa lân, múa sư tử, cho đến cả thể dục dịp điệu và aerobic…Những lạm dụng kiểu này nhiều và quen thuộc đến mức nhiều người coi đó là phần không thể thiếu của PV bởi chúng đem lại niềm vui và nụ cười cho người tham dự! Mấy ai nghĩ rằng chính những thứ này đang phá nát PV thánh thiêng của Giáo Hội.
Hãy nhớ lời Đức Gregorio X dạy chúng ta rằng: “Hãy vào nhà thờ cách khiêm cung và thành kính, giữ nội tâm thanh thản, đem bình an cho những người tham dự, và làm đẹp lòng Chúa là nguồn hướng dẫn và bồi dưỡng tinh thần. Khi tụ họp trong nhà thờ, hãy ngợi ca danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu bằng một cử chỉ tôn kính đặc biệt, danh hiệu duy nhất được ban cho mọi người dưới thế để nhờ đó mọi kẻ tin được cứu, đó là danh Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ cứu dân người khỏi tội lỗi. Mỗi người hãy thực thi điều đã được viết cho mọi người rằng, khi nghe danh Giêsu, mọi gối phải bái quỳ, nhất là đang khi tham dự màu nhiệm thánh lễ, mọi người hãy bái quỳ với trọn cả tâm trí. Ở trong nhà thờ, hãy để sự trang trọng linh thiêng xâm chiếm trọn vẹn con tim và khối óc, chú tâm cho lời cầu nguyện. Ở nơi xứng hợp để dâng lên Chúa những ước nguyện với lòng thư thái bình an này, đừng một ai gây náo loạn, kích động ồn ào hoặc gây ra bạo lực.” (Công Đồng Lyon 2, năm 1274, Hiến chế số 25).
Những lời trên của Đức Gregorio X đã trở nên lỗi thời đối với lời dạy Vatican II.
Thứ bốn: Vatican II cổ võ việc du nhập những truyền thống âm nhạc của dân ngoại vào trong PV thánh của Giáo Hội.!
Đây là những lời của Vatican II: “Ở một vài miền, nhất là các xứ Truyền Giáo, có những dân tộc sẵn có một truyền thống âm nhạc riêng; nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của họ. Tại những nơi này, phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó một địa vị thích hợp, trong khi đào tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào việc phụng tự,… Do đó, trong khi huấn luyện âm nhạc cho các vị thừa sai, phải hết sức lo lắng để họ có thể phát triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc này, được chừng nào hay chừng đó, trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.” (SC, 119).
Hẳn nhiều người sẽ coi đây là lời dạy bảo chính đáng và phải đạo của Vatican II. Tuy nhiên, Công Đồng Trento đã kết án bất kỳ một sự du nhập nào của truyền thống âm nhạc dân ngoại vào trong PV. Công Đồng truyền dạy rằng: “Họ (Các Giám Mục) phải loại khỏi các nhà thờ tất cả những dòng nhạc có pha trộn những gì là kích động và dâm dật, bất kể bởi tiếng đàn hay lời ca; tất cả những hoạt động thế tục, những trao đổi chuyện trò vô ích, tục tĩu; mọi việc đi lại ồn ào náo loạn; để nhà Chúa thực sự được coi và được gọi là nhà cầu nguyện.” (Công Đồng Trento, kỳ họp 22, Sắc Lệnh về Những Điều Phải Giữ và Tránh Khi Cử Hành Thánh Lễ).
Đức Pio XII, trong thông điệp về Thánh Nhạc – Musicae Sacrae, năm 1955, tức chỉ 7 năm trước khi Vatican II diễn ra, cũng tái khẳng định rằng, chỉ có Nhạc Bình Ca mới xứng đáng được coi là thánh nhạc sử dụng trong PV : “Nhạc phải thánh. Không được cho phép bất cứ cái gì mang hơi hướng phàm tục hoặc những gì tương tự, len lỏi vào trong những giai điệu được thể hiện. Nhạc Bình Ca (Gregorian) đã được sử dụng trong Giáo Hội qua nhiều thế kỷ, là gia sản của Giáo Hội, xứng đáng được coi là nhạc thánh.” (Musice Sacrae -Thông Điệp Về Thánh Nhạc, #42).
Trên đây là một vài nguyên tắc mang tính định hướng và chi phối toàn bộ nền PV của Giáo Hội thời hậu Vatican II. Hoa trái cụ thể của cuộc cách mạng PV của Vatican II chính là Sách Nghi Thức Bí Tích Mới (1968) và Nghi Thức Thánh Lễ Mới năm 1969 (New Mass/Novus Ordo).
Kết luận chung về cuộc cách mạng Vatican II:
Cuộc cách mạng PV của Vatican II, một cách nào đó, đã làm tổn hại nghiêm trọng đến đến căn tính của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong dòng lịch sử. Tại sao có thể nói được như vậy? Thưa là bởi vì ngôn ngữ (La-tinh) và âm nhạc (Bình Ca) của Giáo Hội đã bị khai tử. Thử hỏi một dân mà bị mất đi ngôn ngữ và nền âm nhạc của mình, bản sắc và căn tính của dân đó có còn không?
Tuy không chính thức xoá bỏ tiếng La-tinh và Nhạc Bình Ca, nhưng việc Vatican II mở cửa cho tiếng địa phương và âm nhạc của dân ngoại tràn vào trong PV, hành động đó đã gián tiếp kết liễu ngôn ngữ La-tinh và nhạc Bình Ca của Giáo Hội. Đến nay, Tiếng La-tinh và Nhạc Bình Ca chỉ còn là kỷ niệm của dĩ vãng dành cho những kẻ hoài cổ mà thôi.!
Trong suốt dòng lịch sử 20 thế kỷ của mình, giáo huấn đức tin và luân lý của Giáo Hội luôn duy trì được tính liên tục và nhất quán. Chưa bao giờ xảy ra chuyện một công đồng sau lại giảng dạy những điều trái nghịch và mâu thuẫn với giáo huấn của công đồng trước, như xảy ra với Vatican II. Hành động này của Vatican II đã gây ra rất nhiều những phản kháng và chống đối từ chính trong nội bộ. Những thành phần phản kháng này đều bị Vatican II kết tội là chia rẽ, bất vâng phục, và bảo thủ! Hy vọng sẽ có dịp nói thêm về vấn đề này ở các bài sau.
Tất cả những giáo huấn cách mạng của Vatican II như đã trình bày trong những bài vừa qua đều sặc mùi của Duy Tân Thuyết, của các thành phần lạc giáo và ly giáo như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, và của Tam Điểm, những kẻ thù nguy hiểm của Đức Tin Công Giáo. Những kẻ thù này chưa bao giờ từ bỏ những mưu mô và quỷ kế để tiêm nhiễm tư tưởng sai lầm của chúng vào trong Giáo Hội. Tuy nhiên, tất cả những tư tưởng sai lầm đó của họ đều bị các Mục Tử tỉnh thức, khôn ngoan, và can đảm thời trước Vatican II bác bỏ và kết án nghiêm khắc, không để cho những nọc độc sai lầm đó có cơ phát tán và lây lan trong Giáo Hội, Thân Thể của Đức Kitô. Những kẻ thù của Giáo Hội phải chờ đến Vatican II, và từ đó trở đi, để có được những “mục tử can đảm”, dám mở cửa Giáo Hội để cho luồng gió tư tưởng của họ tràn vào hầu làm cho Giáo Hội trở nên tân kỳ và hợp thời hơn với thế giới hiện đại!
Qua việc không kết án những sai lầm của các nhóm lạc giáo, ly giáo, của Tam Điểm và Cộng Sản, và qua việc rao giảng những giáo điều đã bị Giáo Hội trước đây kết án là sai lầm và phải bị vạ tuyệt thông, Vatican II đã gián tiếp xoá bỏ mọi án vạ tuyệt thông trước đây và xác nhận mọi điều bị Giáo Hội kết án là sai lầm trước đây, nay không còn nữa. Mọi tôn giáo và mọi triết thuyết đều được kính trọng và đáng học hỏi, đều là nguồn soi sáng và hướng dẫn con người đến với chân lý! Vatican II dường như đã làm ứng nghiệm lời ‘tiên tri’ của một nhân vật Tam Điểm đã nói trước Vatican II đúng một thế kỷ. Thật vậy, nhân vật TĐ cao cấp có tên là Eliph Levi, năm 1862 đã nói: “rồi sẽ đến một ngày, giáo hoàng sẽ tuyên bố bãi bỏ mọi vạ tuyệt thông và rút lại mọi lời kết án, khi mọi người Kitô sẽ hợp nhất trong GH, khi người Do-thái và người Hồi Giáo sẽ được chúc lành và kêu về với GH…GH sẽ để cho mọi giáo phái đến với mình với những mức độ khác nhau và ôm ấp tất cả loài người vào trong sự hiệp thông với tình yêu và kinh nguyện của GH. Người Thệ Phản rồi cũng chẳng còn vì họ đâu còn phải phản đối cái gì nữa? Giáo Hoàng rồi sẽ trở thành ông vua thực sự của một thứ tôn giáo toàn cầu, và ngài sẽ làm bất cứ điều gì ngài muốn với muôn dân nước trên mặt đất.” (Dr. Rara Coomaraswamy, The Destruction of the Christian Tradition– Sự Sụp Đổ Của Truyền Thống Kitô Giáo, trang 133).
Để ý thức hơn về làn sóng tư tưởng độc hại của Duy Tân Thuyết đang xô đẩy vào con thuyền Giáo Hội từ tứ phía, hồi đầu thế kỷ 20, Đức Pio X đã ban hành thông điệp Pascendi Dominici Gregis. Với lời lẽ đầy thống thiết và trách nhiệm, Đức Pio X đã kêu gọi các mục tử và con cái Giáo Hội phải tỉnh thức và khôn ngoan để nhận diện và phản bác những tư tưởng sai lầm độc hại của Duy Tân Thuyết.
Thông Điệp mở đầu với những lời sau: “Các hiền đệ thân mến, chức vụ được uỷ thác cho Chúng Tôi trong việc chăm sóc đoàn chiên Chúa có một bổn phận đặc biệt do Đức Kitô giao phó là phải bảo vệ với sự tỉnh thức mạnh mẽ nhất kho tàng đức tin được trao cho các thánh, phản bác lại sai lầm của cái gọi là những điều mới mẻ của từ ngữ và những đối nghịch của tri thức. Chưa bao giờ mà sự cảnh giác này của vị mục tử tối cao lại không cần thiết đối với Giáo Hội, vì do những nỗ lực của tên kẻ thù của con người mà, không bao giờ thiếu “những kẻ rao giảng những điều tà vạy” (Cv 20,30), “những kẻ huênh hoang và lừa gạt” (Tit 1,10), “những kẻ lừa dối và lao vào lầm lạc” (2Tim 3,13). Cần phải thú nhận rằng, đến nay, số lượng những kẻ thù của thập giá Đức Kitô trong những ngày cuối cùng này đã tăng lên cách khủng khiếp, chúng đang tận lực hết khả năng với những mưu kế hoàn toàn mới và đầy tinh vi, để tiêu diệt sinh lực sống còn của Giáo Hội, và nếu có thể, chúng sẽ lật đổ hoàn toàn vương quốc của Đức Kitô. Vì lẽ đó, Chúng Tôi không thể thinh lặng, kẻo Chúng Tôi sẽ xao nhãng bổn phận thánh thiêng nhất của Chúng Tôi, kẻo tấm lòng thành Chúng Tôi vẫn chứng tỏ bấy lâu, lại bị gán cho sự lãng quên nhiệm vụ của Chúng Tôi.” (Pascendi Dominici Gregis, ngày 8/9/1907, #1).
Và đây là những lời sau cùng của Thông Điệp: “Các hiền đệ thân mến, dầu vẫn hoàn toàn tin tưởng vào công việc và lòng nhiệt thành của các hiền đệ, với trọn con tim và linh hồn, chúng tôi cầu xin cho các hiền đệ được tràn đầy ánh sáng của trời cao, để giữa cảnh nhiễu loạn khủng khiếp này của trí khôn con người, trong lúc sai lầm quỷ quyệt xâm nhập từ mọi phía, các hiền đệ có thể thấy rõ điều gì phải làm và thi hành bổn phận với tất cả sức mạnh và can đảm. Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, tác giả và là đấng kiện toàn đức tin của chúng ta, luôn ở với các hiền đệ với tất cả quyền năng của Ngài, và xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đấng tiêu diệt mọi lạc thuyết sai lầm, ở bên các hiền đệ bằng lời cầu nguyện và sự trợ giúp của Người. Và chúng tôi, như một lời cam kết của tình yêu và thần lực trợ giúp trong nghịch cảnh, với trọn cả tấm lòng, trìu mến gửi đến các hiền đệ, hàng giáo sĩ và đoàn dân của các hiền đệ, Phép Lành Toà Thánh.” (Pascendi Dominici Gregis, # 58).
Như vậy ta thấy, các Mục Tử trước Vatican II luôn coi việc tỉnh thức canh phòng, không để cho sói dữ kẻ thù có cơ gieo rắc giáo lý lầm lạc vào đoàn chiên, là một bổn phận hàng đầu trong trách vụ mục tử của mình. Kể từ Vatican II, còn đâu bóng dáng người Mục Tử như vậy nữa. Hình ảnh các Mục Tử biết tỉnh thức canh phòng, phát hiện và can đảm ngăm đe các giáo thuyết sai lầm để cảnh báo đoàn chiên đã bị Gioan XXIII đem ra chế giễu mỉa mai công khai trong diễn văn khai mạc CĐ Vatican II. Gioan XXIII nói: “Trong khi thi hành trách vụ mục tử hàng ngày, thật đáng tiếc là đôi khi chúng tôi phải nghe những tiếng nói của những người tuy bừng cháy lửa nhiệt thành nhưng lại thiếu ơn suy xét khôn ngoan và thẩm định. Trong thời hiện đại này, họ không nhìn thấy gì khác hơn ngoài sự dối trá và mục nát. Họ nói rằng, so với các thời đại trước, thời đại của chúng ta đang trở nên tồi tệ hơn. Họ hành xử như thể họ đã chẳng học được gì từ lịch sử, vốn không gì khác hơn chính là thầy dạy của cuộc sống. Họ hành xử như thể là vào thời điểm của các công đồng trước đây, mọi sự là một khải hoàn viên mãn cho cuộc sống và lý tưởng Kitô giáo, cho tự do tôn giáo đúng đắn. Tôi cảm thấy không hài lòng với các ngôn sứ bi quan chán nản đó, những người lúc nào cũng chỉ biết cảnh báo trước tai hoạ như thể là ngày tận cùng thế giới đã gần kề.!” (Diễn Văn Khai Mạc Công Đồng Vatican II, ngày 11/10/1962)[1]
Với những lời lẽ trên, có thể nói Gioan XXIII đã bắn, không phải là một viên đạn súng lục mà là một phát đại bác vào lịch sử Giáo Hội và các Giáo Hoàng tiền nhiệm. Vậy là tất cả những lời cánh báo về hiểm hoạ của Tam Điểm trong Thông Điệp Humanum Genus của Đức Leo XIII, ngày 20/4/1884; về hiểm họa của Chủ Nghĩa Hiện Đại trong Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis của Đức Pio X, ngày 8/9/1907; về hiểm hoạ của Chủ Nghĩa Cộng Sản Vô Thần trong Thông Điệp Divini Redemptoris của Đức Pio XI, ngày 19/3/1937; về hiểm hoạ của những quan điểm sai lầm đang đe doạ và làm suy yếu những nền tảng Đức Tin Công Giáo trong Thông Điệp Humani Generis của Đức Pio XII, ngày 12/8/1950; đều bi coi là lời của hạng ‘ngôn sứ bi quan chán nản’.! Qua những thông điệp vừa kể trên, các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm của Gioan XXIII đã dùng tiếng ngôn sứ của mình để cảnh báo hiểm hoạ thường trực đang đe doạ Giáo Hội. Tiếc rằng Gioan XXIII đã ám chỉ đó chỉ là tiếng nói của hạng ‘ngôn sứ bi quan chán nản’.!
Tác giả Jones Kenneth, trong cuốn sách viết về Giáo Hội thời hậu Vatican II, đã trích dẫn câu nói cuối cùng trong đoạn diễn văn trên của Gioan XXIII và thú nhận cách chua chát thêm rằng: “quả vậy, 40 năm sau Vatican II, ngày tận cùng của thế giới vẫn chưa thấy đâu, nhưng chúng ta đang phải đương đầu với tai hoạ.”[2]
Chắc tác giả Jones này cũng thuộc hạng các ‘ngôn sứ bi quan chán nản’ đây. Vâng, theo như tác giả Jones đã viết trong cuốn sách của mình rằng, nhờ chủ trương hiện đại hoá Giáo Hội của Vatican II mà chúng ta đang phải đương đầu với tai hoạ. Vậy có tai hoạ gì nữa không đang chờ chúng ta, khi Vatican II hôm nay cũng đang được những người có trách nhiệm gấp rút kiến thiết và xây dựng cho trở nên hợp thời hơn nữa với văn hoá và não trạng của thời đại chúng ta? Hãy tỉnh thức chờ đợi xem những gì sẽ đến với thế giới và Vatican II trong những ngày sắp tới.
Cuối cùng, lời mời gọi quen thuộc lại xuất hiện: Trong bối cảnh những cảnh báo đã nói ở bài 1, Vatican II là một lễ ‘Hiện Xuống Mới’ hay một Apostasy của thời kỳ cuối mà Thánh Kinh và Đức Mẹ đã cảnh báo?
Bài sau sẽ nói về Thánh Lễ Mới của Vatican II
[1] http://www.vatican.va/holy_father/john_xxiii/speeches/1962/documents/hf_j-xxiii_spe_19621011_opening-council_lt.html).
[2] Kenneth C. Jones, Index of Leading Catholic Indicators: The Church since Vatican II (St. Louis, Mo.: Oriens Publishing, 2003), vii.