TẠI SAO NGHI THỨC TRUYỀN CHỨC MỚI VÔ HIỆU?

Nghi Thức Truyền Chức Mới ở đây là Nghi Thức Truyền Chức được ban hành năm 1968 theo tinh thần cải cách của CĐ Vatican II. Năm 1969 sau đó, đến lượt Nghi Thức Thánh Lễ Mới được ra đời. Những vấn đề với Thánh Lễ Mới đã được nói đến ở bài trước. Bài này, sẽ dành để phân tích đánh giá về Nghi Thức Truyền Chức Mới (gọi tắt là Nghi Thức Mới).

Nghi Thức Mới được chính thức thông qua ngày 18/6/1968 để thay thế cho Nghi Thức Truyền Chức cũ mà Đức Pio XII đã tổng hợp và đúc kết trong Tông Hiến Sacramentum Ordinis năm 1947, nhằm tái khẳng định bản chất của Bí Tích Truyền Chức và tạo ra một rào cản nghiêm cấm mọi thay đổi.

Nghi Thức Mới được áp dụng cho cả ba bậc của BT Truyền Chức là: Giám Mục – Linh Mục – và Phó Tế. Thay đổi nghiêm trọng nhất đã xảy ra đối với Nghi Thức Truyền Chức Giám Mục. Nghiêm trọng đến mức làm cho hiệu quả của Bí Tích thật sự bị nghi ngờ, và trong thực tế phải bị coi là vô hiệu.

Nghi Thức Truyền Chức Linh Mục sẽ được phân tích cách khái quát. Phần quan tâm chủ yếu và chi tiết hơn sẽ dành cho Nghi Thức Truyền Chức Giám Mục, vì chức giám mục là đầu mối bảo đảm sự hữu hiệu cho các bí tích khác.

Để thực hiện điều đó, chúng ta sẽ dựa vào thần học Bí Tích truyền thống Công Giáo trước Vatican II; Tông Thư Apostolicae Curae (1896) của Đức Leo XIII; và Tông Hiến Sacramentum Ordinis (1947) của Đức Pio XII. Trước hết chúng ta cần ôn lại giáo lý tổng quát về Bí Tích. Đó là nền tảng chúng ta sẽ dựa vào để đánh giá các Nghi Thức Mới.

Phần I: Giáo Lý Tổng Quát Về Bí Tích.

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ba ý chính: Khái Niệm Bí Tích; Nghi Thức Bí Tích; và Những Điều Kiện Tiên Quyết Để Cử Hành Bí Tích Thành Hiệu.

I. Khái niệm Bí Tích 

Bí Tích Là Gì? Có một số định nghĩa như sau về Bí Tích:

  • Bí Tích là một dấu chỉ hữu hình của ân sủng vô hình, được thiết lập vì sự công chính hoá của chúng ta.[1]
  • Bí Tích là một dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, được thiết lập bởi Đức Kitô.[2]
  • Bí Tích là một dấu chỉ khả giác, được thiết lập vĩnh viễn bởi chính Đức Kitô, để diễn tả và ban ơn thánh hoá.[3]
  • Bí Tích là một dấu chỉ bề ngoài của ân sủng bề trong, được thiết lập bởi Đức Kitô, để ban ân sủng cho linh hồn chúng ta.[4]

Các định Bí Tích nêu trên tuy hơi khác nhau chút về từ ngữ nhưng đều là những diễn tả chính xác về Bí Tích như Giáo Lý Công Giáo truyền dạy. Ta có thể tổng hợp lại thành một định nghĩa như sau về Bí Tích:

Bí Tích là một dấu chỉ khả giác bề ngoài, được thiết lập vĩnh viễn bởi chính Đức Kitô, để diễn tả và ban ơn thánh hoá cho con người.

Phân tích các định nghĩa Bí Tích nêu trên, ta rút ra được ba hệ luận căn bản liên quan đến Bí Tích đó là: Bí Tích là một dấu chỉ; Bí Tích được thiết lập bởi Đức Kitô; và Bí Tích ban ơn thánh hoá cho con người.

  1. Bí Tích Là Một Dấu Chỉ.

Dấu chỉ bí tích là gì? Như trong định nghĩa, Bí Tích là một dấu chỉ khả giác bề ngoài. Nghĩa là, dấu chỉ đó phải cụ thể và nhận biết được bằng các giác quan của chúng ta. Hơn nữa, đó còn là dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng. Nghĩa là, dấu chỉ bí tích luôn: biểu thị ân sủng mà nó phát sinh và làm phát sinh ân sủng mà nó biểu thị ( signify the grace it effects and effect the grace it signifies). Mỗi một Bí Tích đều có một dấu chỉ được cấu thành bởi hai yếu tố là: Chất Thể (matter) và Mô Thể (form)[5].

Chất thể là gì? Chất thể của bí tích là những sự vật hay hành động dùng cho việc cử hành Bí Tích . Thí dụ: Nước (BT Rửa Tội); Dầu Ô-lưu được làm phép bởi giám mục (BT Thêm Sức và Xức Dầu); Bánh, Rượu (BT Thánh Thể); việc Đặt Tay (BT Truyền Chức); việc trao ban quyền trên thể xác cho nhau (BT Hôn Nhân).

Mô Thể là gì? Mô Thể là những lời được quy định cho việc thành hiệu của Bí Tích mà thừa tác viên bắt buộc phải đọc chính xác khi cử hành Bí Tích. Nếu không đọc hoặc đọc sai căn bản thì Bí Tích sẽ không thành. Vì thế, những lời này còn được gọi là “Công Thức Bí Tích – Form of Sacrament”. Thí dụ: công thức rửa tội; công thức tha tội; công thức truyền phép trong Thánh Lễ.

Trong hai thành phần cấu thành của Dấu Chỉ Bí Tích là Chất Thể và Mô Thể thì, Mô Thể (tức lời đọc hay công thức bí tích) chiếm phần quan trọng hơn. Bởi vì, nếu không có Mô Thể thì vai trò của Chất Thể trong bí tích sẽ trở nên hoàn toàn tối nghĩa mông mung, không hiểu Chất Thể ấy biểu thị và diễn tả điều gì.[6] Vì thế, chính Mô Thể quyết định bản chất và ý nghĩa của Chất Thể. Chất Thể và Mô Thể là 2 yếu tố cấu thành dấu chỉ Bí Tích và là bản chất của Bí Tích.

2. Bí Tích được Đức Kitô thiết lập.

Giáo Hội dạy truyền dạy rằng: Chỉ có Bẩy (7) bí tích mà thôi, không hơn không kém, và tất cả Bẩy Bí Tích đều được thiết lập bởi chính Đức Kitô. Do đó:

Bất cứ ai nói rằng, các bí tích của Luật Mới đã không được thiết lập bởi Đức Kitô; hoặc cho rằng có nhiều hơn hay ít hơn Bẩy bí tích gồm: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Giải Tội, Xức Dầu, Truyền Chức, và Hôn Phối; hoặc cho rằng một trong các Bí Tích này không thật sự là Bí Tích, thì bị vạ tuyệt thông.” (Denzinger, 844).

Phải hiểu thế nào về việc Đức Kitô thiết lập các bí tích? Phải hiểu rằng:

Một là: Chính cá nhân Đức Kitô đã thiết lập Bẩy bí tích cách trực tiếp, không qua trung gian các Tông Đồ hay Giáo Hội. Ý tưởng cho rằng các Tông Đồ hoặc Giáo Hội đã thiết lập các Bí Tích là hoàn toàn xa lạ với các Thánh Giáo Phụ. Thánh Ambrosio cũng như thánh Augustino xác tín rằng: các mầu nhiệm thánh này (các bí tích) đến từ trời cao.[7]

Hai là: Chính Đức Kitô đã quyết định cách thức hoạt động của ân sủng bí tích và ấn định những dấu chỉ bí tích bề ngoài khác nhau để làm phát sinh ân sủng bí tích, tương ứng với mỗi bí tích.[8]

Ba là: Chính Đức Kitô đã thiết lập Chất Thể và Mô Thể, tức bản chất của Bí Tích, như chúng ta dùng ngày nay. Về Mô Thể (công thức bí tích), Đức Kitô  thiết lập không phải theo văn tự, từ theo từ, ngoại trừ Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể,  nhưng theo nghĩa bản chất của nó. Nghĩa là, Mô Thể phải luôn diễn tả đúng bản chất và hiệu quả của Bí Tích. Đức Kitô đã tỏ cho các Tông Đồ biết bản chất của Bẩy Bí Tích trước khi về trời. Do vậy, không một bí tích nào có thể được thiết lập sau biến cố Thăng Thiên.[9]

II. Nghi Thức Bí Tích là gì?

Nghi Thức Bí Tích là lời và cử chỉ được Giáo Hội đưa thêm vào phần Dấu Chỉ Bí Tích (gồm Chất Thể và Mô Thể) nhằm thể hiện rõ ràng chủ ý của Giáo Hội trong việc cử hành và trao ban Bí Tích, đồng thời diễn tả rõ ràng những hiệu quả của Bí Tích, và làm toát lên sự tôn kính đối với các màu nhiệm thánh, đúng như chúng đang diễn ra trước mắt, hầu in vào lòng trí các tín hữu sự thánh thiêng của các màu nhiệm thánh đang cử hành[10].

Nghi Thức Bí Tích, dù là phần được Giáo Hội thêm vào cho việc cử hành các bí tích, không ai được phép tự tiện thêm, bớt hoặc thay đổi. Công Đồng Trento phán dạy rằng: “Nếu ai cho rằng, các thừa tác viên, khi xét thấy thích hợp, đều có thể giản lược, hoặc bỏ qua, mà không có tội, các nghi thức mà Giáo Hội Công Giáo đã chấp nhận và phê chuẩn để dùng cho việc cử hành long trọng các Bí Tích; hoặc cho rằng bất cứ mục tử nào trong Giáo Hội cũng có thể thay đổi các nghi thức ấy thành một nghi thức mới khác, thì bị vạ tuyệt thông.[11]

III. Những Điều Kiện Tiên Quyết Để Cử Hành Bí Tích Thành Hiệu.

Để Cử Hành Bí Tích thành hiệu, dứt khoát phải hội đủ ba điều kiện tiên quyết sau:

Một là: Chất thể đúng như GH quy định. Nếu dùng sai chất thể, dù vô tình hoặc cố ý, bí tích sẽ không thành cho dù có chủ ý và đọc đúng công thức bí tích. Chất thể bi sai có thể do bị thay thế, vô tình hoặc cố ý, hoặc khi chất thể đã bị biến chất do để qúa lâu không còn là chính nó nữa , Thí dụ: thay vì nước tự nhiên, rượu Votka đã được dùng để rửa tội, dù cố ý hay vô tình, bí tích không thành. Phải rửa tội lại. Hoặc khi Bánh đã bị rêu mốc và Rượu đã biến thành giấm do để lâu ngày, dù vô tình hay cố ý, vẫn dùng để dâng lễ, thánh lễ không thành.    

Hai là: Mô thể đúng như GH quy định. Nếu dùng Mô Thể sai, bí tích sẽ không thành. Mô Thể bị sai khi nào? Mô Thể bị sai khi những lời của nó bị thay đổi, cắt xén, thêm bớt, hoặc thay thế …. làm cho ý nghĩa của nó bị thay đổi tự bản chất(substantial change), không còn diễn tả chính xác và rõ ràng ý nghĩa mà Giáo Hội chủ ý muốn diễn tả. Sử dụng một công thức bí tích như thế, bí tích sẽ không thành. Còn nếu sự thay đổi chỉ mang tính tuỳ phụ không đáng kể (accidental change), thì bí tích vẫn thành sự.

Thí dụ: Công thức bí tích rửa tội là: “….(Giuse), cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, do bối rối bị đọc là: “….Giuse, cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, hoặc “Giuse, cha rửa con nhân danh Mẹ và Con và Thánh Thần” …những việc nhầm lẫn do thêm hoặc thay đổi từ ngữ như thế này, khiến bí tích vô hiệu bởi vì, những thay đổi đó làm cho ý nghĩa của công thức bí tích bị thay đổi tự bản chất. Phải cử hành bí tích lại.  Còn nếu sự thay đổi chỉ là tuỳ phụ, bí tích vẫn thành sự. Thí dụ, vẫn với công thức rửa tội như trên, do vô ý được đọc là: “Giuse, cha tẩy con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chữ “rửa” bị thay thế bằng chữ  “tẩy”. Sự nhầm lẫn từ ngữ như vậy chỉ là tuỳ phụ, không làm cho công thức bí tích bị thay đổi bản chất, bởi vì chữ “rửa” được coi là đồng nghĩa với “tẩy”. Do đó, bí tích vẫn thành sự.

Ba là: Chủ ý làm như ý Giáo Hội làm. Nếu không có chủ ý làm như Giáo Hội làm, rõ ràng đó chỉ là một sự mô phỏng (simulation), diễn kịch mà thôi. Vì thế CĐ Trento phán: “Nếu ai nói rằng, thừa tác viên khi cử hành Bí Tích không cần thiết phải có chủ ý làm như Giáo Hội làm, thì bì vạ tuyệt thông.”[12]

Làm sao biết thừa tác viên có chủ ý làm như Giáo Hội làm? Đức Leo XIII đưa ra nguyên tắc: Giáo Hội không phán xét chủ ý và suy nghĩ bên trong vì nó thuộc về nội tâm. Chủ ý của thừa tác viên được suy đoán dựa trên nghi thức bề ngoài. Nghĩa là, khi thừa tác viên sử dụng nghi thức bí tích gồm chất thể và mô thể đúng như Giáo Hội quy định cho việc cử hành Bí Tích, thì được coi là có chủ ý làm như Giáo Hội làm (Tông Thư Apostolicae Curae, 33). 

Bất cứ một điều kiện nào trong ba điều kiện trên bị thiếu trong khi cử hành bí tích, bí tích sẽ không thành (Denzinger, # 695).[13]

Ngoài ra, với một số bí tích, còn đòi hỏi điều kiện về phía người lãnh nhận bí tích đó là: phải có chủ ý lãnh nhận. Chủ ý của người nhận không ảnh hưởng đến nguyên nhân và hiệu quả của bí tích, nhưng là điều kiện không thể thiếu cho việc lãnh nhận bí tích thành sự.[14]

Phần II: Đánh Nghi Thức Mới.

  1. Nghi Thức Truyền Chức Linh Mục.

Để đánh giá việc truyền chức linh mục theo Nghi Thức Mới có thành sự hay không, Thời Giờ Đã Mãn sẽ dựa theo những nguyên tắc và tiêu chí mà Đức Leo XIII đã dùng trong Tông Thư Apostalicae Curae – AC – khi đánh giá Nghi Thức Truyền Chức của Anh Giáo. Thật vậy, Đức Leo XIII cũng đã dựa trên căn bản là Ba Điều Kiện Tiên Quyết cho việc thành hiệu Bí Tích vừa nói ở trên.  Cụ thể, Ngài đã tập chú vào Mô Thể.

Sau khi đã thẩm tra kỹ lưỡng Nghi Thức Truyền Chức của Anh Giáo, Tông Thư Apostolicae Curae đã chỉ ra những sai sót nghiêm trọng như sau:

Mô Thể không diễn tả rõ ràng chức linh mục (sacerdotium), cũng không diễn tả rõ ràng quyền của linh mục, đó là quyền thánh hiến và tiến dâng Mình, Máu chân thật của Chúa. (AC, 25).

Nghi thức truyền chức Anh Giáo đã loại bỏ tất cả những ý niệm về chức linh mục như được hiểu và diễn tả trong Nghi Thức Công Giáo: Đó là chức linh mục hy tế gắn liền với quyền dâng hy lễ, quyền tha tội và chúc lành.

Vì những thiếu sót căn bản như trên, Đức Leo đã tuyên bố: Chức Thánh (gồm cả GM-LM-PT) được ban theo Nghi Thức Anh Giáo là hoàn toàn trống rỗng và vô hiệu! (AC, #36).

Bây giờ ta cùng trở lại với Nghi Thức Mới.

Có thể nói, Nghi Thức Mới được dùng cho việc truyền chức linh mục, cũng lặp lại y chang những sai lầm như trong Nghi Thức Anh Giáo đó là: Mô Thể cũng đã bị thay đổi và xét trong toàn thể Nghi Thức: Tất cả những ý niệm căn bản của Chức Linh Mục Công Giáo cũng đã bị loại bỏ hoàn toàn. Nói cách khác, Nghi Thức Mới đã không có chủ ý trao ban Chức Linh Mục Công Giáo như Truyền Thống Giáo Hội vẫn hiểu từ bao đời. Sau đây là bằng chứng:

Đối Chiếu Mô Thể Nghi Thức Truyền Chức LM

Nghi Thức Cũ Trước Vatican II

Nghi Thức Mới             Sau Vatican II

 

Da, quaesumus, omnipotens Pater, in hunc famulum tuum Presbyterii dignitatem; innova in visceribus eius Spiritum sanctitatis, ut acceptum a te, Deus, secundi meriti munus obtineat, censuramque morum exemplo suae conversationis insinuet.

 

Lạy Cha Toàn Năng, chúng con nài xin Cha ban chức linh mục cho tôi tớ Cha đây; xin Cha lại ban Thần Trí thánh hoá trong lòng thầy, để cho thầy biết chu toàn chức vụ nhị phẩm nhận được từ nơi Cha và cho thầy biết cải thiện phong hoá thế gian bằng gương sáng đời sống của mình.

 

 

Da, quaesumus, omnipotens Pater, his famulis tuis Presbyterii dignitatem; innova in visceribus eorum Spiritum sanctitatis; acceptum a te, Deus, secundi meriti munus obtineant, censuramque morum exemplo suae conversationis insinuent

 

Lạy Cha Toàn Năng, chúng con nài xin Cha ban chức linh mục cho các tôi tớ Cha đây; xin Cha lại ban Thần Trí thánh hoá trong lòng các thầy; cho các thầy biết chu toàn chức vụ nhị phẩm nhận được từ nơi Cha và cho các thầy biết cải thiện phong hoá thế gian bằng gương sáng đời sống của mình.

 

Nhìn vào Mô Thể của hai nghi thức trên ta thấy, sự thay đổi có vẻ như không nhiều. Ngoài sự khác nhau về đại từ số nhiều nhiều và số ít, chỉ duy nhất một chữ “UT – để cho” bị loại bỏ, không đưa vào trong Nghi Thức Mới.  Việc loại bỏ chữ “UT”, xét theo số lượng thì không nhiểu, nhưng xét theo chất lượng thì rất đáng kể. Trước tiên, chữ “UT” là một trong các chữ bắt buộc phải có cho sự thành hiệu của Bí Tích như Đức Pio XII quy định trong Tông Hiến Sacramentum Ordinis, #5. Thứ đến, việc loại bỏ chữ “UT” khiến cho người ta hiểu việc truyền chức (trao ban chức linh mục) đã xảy ra trước đó chứ không phải là xảy ra liền theo với lời đọc. Mục đích trực tiếp của việc trao ban Thánh Thần bị tách rời khỏi vế tiếp theo. Thiếu sót này khiến cho ý nghĩa của Công Thức Truyền Chức thiếu rõ ràng, dẫn đến hiệu quả bí tích bị nghi ngờ.

Ngoài thay đổi về Mô Thể, Nghi Thức Mới chứa đựng những sai lầm y chang như trong Nghi Thức Anh Giáo. Những sai lầm đó được thể hiện trong Nghi Thức Diễn Nghĩa. Nghi Thức Diễn Nghĩa có mục đích làm sáng tỏ rõ ràng ý nghĩa của nghi thức truyền chức cũng như những ơn và quyền của chức linh mục đó là:  quyền chúc lành và thánh hoá (nghi thức xức dầu bàn tay); quyền dâng hy lễ cho Thiên Chúa và cử hành thánh lễ cho người sống và kẻ chết (nghi thức trao chén đĩa thánh có rượu và bánh); và quyền tha tội (nghi thức trao quyền tha tội cử hành sau lời nguyện hiệp lễ) .

 

 

Đối Chiếu Phần Nghi Thức Diễn Nghĩa

Nghi Thức Cũ

Nghi Thức Mới

Khi xức dầu bàn tay đọc:

Lạy Chúa, xin hãy thánh hiến và thánh hoá những bàn tay này bằng việc xức dầu này và phép lành của chúng con; Để tất cả những gì họ chúc lành, đều được chúc lành, và tất cả những gì họ thánh hiến, đều được thánh hiến và thánh hoá, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Khi trao chén đĩa thánh đọc:

Hãy nhận quyền để tiến dâng hy lễ cho Thiên Chúa và để cử hành Thánh Lễ cho người sống cũng như kẻ chết.

Khi trao quyền tha tội đọc:

Hãy nhận lấy Thánh Thần, con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; và con cầm buộc tội ai, thì tội người ấy sẽ bị cầm buộc.

 

Khi xức dầu bàn tay đọc:

Xin Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng Thánh Thần và sức mạnh, gìn giữ và thánh hoá con để con thánh hoá dân Kitô Giáo và hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa.

Khi trao chén đĩa thánh đọc:

Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con cử hành, và khuôn đúc đời sống con theo mầu nhiệm thập giá của Chúa.

Nghi Thức trao quyền tha tội:

Đã hoàn toàn bị bãi bỏ!

Qua việc đối chiếu trên ta thấy Nghi Thức Mới có những thiếu sót nghiêm trọng sau:

  • Mô Thể đã bị thay đổi.
  • Nghi Thức Xức Dầu: Quyền chúc lành, thánh hoá trên sự vật và con người không được diễn tả và trao ban cách rõ ràng như Nghi Thức Cũ.
  • Nghi Thức Trao Chén Đĩa Thánh: Quyền dâng lễ hy sinh cho Thiên Chúa và dâng Thánh Lễ cho người sống cũng như kẻ chết không được trao ban. Lời đọc khi trao chén đĩa thánh diễn tả quyền của linh mục một cách rất mơ hồ. Linh mục không được khắc hoạ như là người tái hiện và tiến dâng chính hiến tế thập giá của Chúa Giêsu khi xưa, nay được tái diễn cách không đổ máu trên bàn thờ (Denzinger, 940, 948). Trái lại, linh mục được miêu tả chỉ như là người đại diện hay chủ toạ cộng đoàn, đón nhận lễ vật của cộng đồng và dâng lên Thiên Chúa. Một kiểu lễ vật là hoa màu ruộng đất và công lao con người vẫn hay được diễn tả dềnh dang trong các dịp lễ trọng hiện nay: hương hoa, đèn nến, trái cây các loại…. Nghi Thức Mới đã khắc hoạ chức linh mục rất giống với vai trò mục sư của Tin Lành.
  • Nghi thức trao quyền tha tội:  đã hoàn toàn bị bãi bỏ.

Ngoài ra, sau Vatican II, mô hình đào tạo linh mục Công Giáo truyền thống đã bị kết liễu. Mô hình đào tạo linh mục theo truyền thống Công Giáo được khởi đầu với Nghi Thức Cắt Tóc và diễn tiến theo thứ tự bẩy chức gồm bốn chức nhỏ và ba chức lớn. Bốn chức nhỏ là : Giữ Cửa – Đọc Sách – Trừ Quỷ – Giúp Lễ . Ba chức lớn gồm:  Phụ Phó Tế – Phó Tế – Linh Mục. Mặc dù chỉ có chức phó tế và linh mục là thuộc về Bí Tích Truyền Chức, nhưng thứ tự và danh xưng của 5 chức trước đó đã được áp dụng ngay từ thủơ ban đầu trong Giáo Hội và tuyệt đối không được bãi bỏ (Denzinger, 841). Vì thế Công Đồng Trento dạy rằng:

Bất cứ ai nói rằng, ngoài chức linh mục ra, trong Giáo Hội không có các chức nào khác, lớn cũng như nhỏ, quy định những cấp độ khác nhau trong việc tiến tới chức linh mục, thì bị vạ tuyệt thông(Denzinger, #962).

Sau Vatican II, không ai dại gì mà tuyên bố trái với lời dạy trên để bị vạ tuyệt thông. Người ta chỉ âm thầm loại bỏ mà thôi! Chỉ có hai chức nhỏ là Đọc Sách và Giúp Lễ còn được giữ lại cho có hình thức. Nghi Thức Cắt Tóc cùng với các chức Giữ Cửa – Trừ Quỷ – và Phụ Phó Tế đã bị loại bỏ. Thay vào đó, sau Vatican II, việc đào tạo linh mục được thực hiện theo mô hình của Pastores Dabo Vobis với 4 chiều kích là: Nhân Bản – Thiêng Liêng – Tri Thức – Mục Vụ. Công thức đào tạo như thế chẳng có gì khác biệt với các ngành nghề thế tục trong xã hội. Ngành nghề nào cũng cần có con người nhân bản lịch sự, có chút đời sống tâm linh nội tâm, có tri thức, và biết áp dụng vào thực tế!

Việc bãi bỏ các chức nhỏ theo thứ tự của quy trình đào tạo linh mục, là bằng chứng cho thấy, sau Vatican II, kiểu linh mục truyền thống Công Giáo đã bị khai tử.

Vì tất cả những khác biệt cũng như thiếu sót nghiêm trọng trong quy trình đào tạo và truyền chức linh mục nêu trên, ta thấy rõ ràng một điều: Sau Vatican II, Nghi Thức Mới đã hoàn toàn không có chủ ý trao ban Chức Linh Mục Công Giáo với các chức năng căn bản là để tiến dâng hy lễ thập giá, để tha tội cho dân, và để chúc lành cho con người cũng như sự vật. Thay vào đó là chủ ý trao ban một chức linh mục mới, với chức năng rao giảng và chủ toạ cộng đoàn. Đó một chức linh mục nhuốm đậm màu sắc của lạc giáo Tin Lành, một chức linh mục phàm tục để thì hành những việc phàm tục đại diện cho cộng đoàn. Một chức linh mục đã bị tước đoạt những chức năng thánh thiêng là: dâng hy lễ lên Thiên Chúa, tha tội, và chúc lành cho con người. Vì thế, ta có thể mượn lời mà Đức Leo XIII đã phán về Nghi Thức Anh Giáo để nói rằng:

Nghi Thức Mới đã loại bỏ tất cả những ý niệm về chức linh mục như được hiểu và diễn tả trong Nghi Thức Công Giáo. Nghi Thức Mới đã không diễn tả chủ ý trao ban Chức Linh Mục như Giáo Hội Công Giáo từ muôn đời vẫn hiểu. Vì những sai sót căn bản như thế, ta có thể kết luận: Chức Thánh được ban theo Nghi Thức Mới là hoàn toàn đáng nghi ngờ, và trong thực tế phải bị coi là vô hiệu.

  1. NGHI THỨC TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC

Vẫn theo nguyên tắc chung đã nói ở trên cũng như nguyên tắc Đức Leo XIII đã dùng để thẩm tra Nghi Thức Anh Giáo, khi đánh giá việc thành sự của Bí Tích Truyền Thức, điều quan trọng nhất là phải thẩm tra Chất Thể và Mô Thể được dùng trong nghi thức truyền chức.

Trong Nghi Thức Mới, Chất Thể vẫn được giữ đúng: đó là việc Đặt Tay của Giám Mục Chủ Phong.  Tuy nhiên, Mô Thể là tức phần quyết định và quan trọng nhất của Nghi Thức thì đã bị thay đổi hoàn toàn, khiến cho việc thành sự của Bí Tích đáng bị nghi ngờ. Dưới đây là bảng đối chiếu và đánh giá để chứng minh điều đó.

Nghi Thức Truyền Chức Giám Mục

Nghi Thức Cũ

Nghi Thức Mới

Tông Hiến Sacramentum Ordinis của Đức Pio XII đã quy định như sau:

Trong việc truyền chức Giám Mục, Chất Thể là việc đặt tay của giám mục chủ phong. Mô Thể bao gồm những lời của Kinh Tiền Tụng truyền chức  trong đó, những lời sau đây là chính yếu và bắt buộc cho việc thành hiệu:

Comple in Sacerdote tuo ministerii tui summam, et ornamentis totius glorificationis instructumcoelestis unguenti roresantifica.

 

 

 

Xin hãy hoàn thiện trong linh mục của Cha đây sự viên mãn sứ vụ của Cha và mặc cho ngài tất cả vẻ lộng lẫy của vinh quang Cha, thánh hoá ngài bằng việc xức dầu bởi Trời.

 

 

Tông Hiến ban hành Nghi Thức Mới 1968 quy định như sau:

Trong việc truyền chức Giám Mục, Chất Thể là việc đặt tay của các giám mục phong chức hoặc ít nhất là của giám mục chủ phong. Mô Thể bao gồm những lời của Kinh Tiền Tụng truyền chức  trong đó, những lời sau đây là chính yếu và bắt buộc cho việc thành hiệu:

Et nunc effunde super hunc Electum eam virtutem, quae a te est, Spiritum principalem, quem dedisti dilecto Filio Tuo Iesu Christo, quem Ipse donavit sanctis Apostolis, qui constituerunt Ecclesiam per singula loca, ut sanctuarium tuum, in gloriam et laudem indeficientem nominis tui.

 

Và giờ đây, xin Cha tuôn đổ trên vị tiến chức này, thần lực xuất phát từ nơi Cha, là Thánh Thần thủ lãnh mà Cha đã ban cho Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô và chính Đức Kitô lại ban cho các thánh tông đồ, các vị này đã thiết lập Hội Thánh mỗi nơi như một thánh điện Cha để tôn vinh và ca tụng danh Cha muôn đời.

Nhận Xét:

Nhìn lướt qua, người không biết tiếng Latin là gì cũng có thể hiểu ngay rằng, Mô Thể của hai Nghi Thức khác nhau hoàn toàn. Chỉ có đúng ba chữ giống nhau: giới từ “in – nơi, trong”; liên từ “et – và”; và “tui – đại từ sở hưu ngôi thứ hai”! Nghi Thức Mới đã loại bỏ hoàn toàn Mô Thể của Nghi Thức Cũ, là những lời mà Đức Pio XII đã quy định là buộc phải có cho sự thành hiệu. Tất cả những lời bắt buộc cho sự thành hiệu của Bí Tích đã bị loại bỏ và thay thế.

Muốn đánh giá Mô Thể đúng hay sai, ta phải có tiêu chuẩn chắc chắn để đánh giá. Tông Hiến Sacramentum Ordinis của Đức Pio XII đã cung cấp cho ta tiêu chuẩn ấy. Tông Hiến xác định:

Mô Thể của Bí Tích Truyền Chức phải diễn tả rõ ràng hiệu quả của Bí Tích đó là: Quyền Chức Thánh (Potestas Ordinis)  và Ơn của Chúa Thánh Thần (Gratia Spiritus Sancti), đúng như ý nghĩa mà Giáo Hội nhìn nhận và sử dụng (SO, 4).

Theo tiêu chuẩn trên ta thấy,  Mô Thể trong Nghi Thức Cũ đã diễn tả rất rõ ràng Quyền Chức Thánh và Ơn của Chúa Thánh Thần:

Quyền Chức Thánh – Potestas Ordinis:  Quyền đó được diễn tả bằng cụm từ “Sự Viên Mãn Sứ Vụ Summam Ministerii”; “tất cả vinh quang – totius glorificationis”;  nghĩa là chức linh mục tròn đầy – Summum Sacerdotium. Những cụm từ này là những khái niệm đặc thù không thể nhầm lẫn về Chức Giám Mục. Nhắc đến những cụm từ đó, lập tức người ta hiểu về Chức Giám Mục mà không cần mất công truy tầm chú giải. Chúng không thể bị hiểu nhầm với bất kỳ Bí Tích nào khác, hoặc với hai bậc thấp hơn của Chức Thánh là Linh Mục và Phó Tế. Do vậy, Mô Thể của Nghi Thức Cũ đã thực sự diễn ta rõ ràng Quyền Chức Thánh. Theo đó: Giám Mục là người thủ đắc trọn vẹn sứ vụ (Summam Ministerii), thủ đắc chức linh mục viên mãn (Summum Sacerdotium). Vì thế, chỉ có giám mục mới có quyền truyền chức linh mục và các thừa tác viên trong Giáo Hội.

Ơn của Chúa Thánh Thần: Mô Thể của Nghi Thức Cũ diễn tả rõ ràng Ơn Chúa Thánh Thần qua cụm từ:  “thánh hoá ngài bằng việc xức dầu bởi trời –  coelestis unguenti rore sacrifica”.

Như vậy ta thấy, Nghi Thức Cũ đã diễn tả rất chính xác và rõ ràng bản chất của Chức Giám Mục Công Giáo như Giáo Hội vẫn nhìn nhận và áp dụng. Do vậy, hiệu quả của Bí Tích tuyệt đối được bảo đảm.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là,  Mô Thể của Nghi Thức Mới có diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh và Ơn của Chúa Thánh Thần như Mô Thể của Nghi Thức Cũ không?

Trước tiên ta xét đến Quyền Chức Thánh – Potestas Ordinis: Nghi Thức Mới có diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh như Nghi Thức Cũ không? Ta hoàn toàn mơ hồ về điều đó. Nghi Thức Mới chỉ nài xin Chúa Cha ban “Thánh Thần Thủ Lãnh – Spiritum Principalem” cho tiến chức. “Thánh Thần Thủ Lãnh” là gì? Cụm từ này có nội hàm rất rộng, và nó có thể diễn tả rất nhiều điều như: có thể là chính Chúa Thánh Thần; là thần khí hiện hữu từ khởi đầu; là thần khí lãnh đạo hướng dẫn; là thần khí tuyệt hảo; là thần khí tình yêu và hiền lành với Viện Phụ Coptic; là thần khí khôn ngoan với Giám Mục Coptic…

Hơn nữa, cụm từ “Thánh Thần Thủ Lãnh” không bao giờ được Giáo Hội dùng để diễn tả và coi là có nghĩa tương đương với cụm từ “Sự Viên Mãn Sứ Vụ – Summam Mininterii ”;  hay “Chức Linh Mục Viên MãnSummum Sacerdotium”. Do đó, cụm từ “Thánh Thần Thủ Lãnh” là một diễn tả mơ hồ về Quyền Chức Thánh. Và một khi nó đã không diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh, thì ta phải kết luận, Mô Thể của Nghi Thức Mới là đáng ngờ và vô hiệu, vì nó đã không đáp ứng được điều kiện nhất thiết phải có đối với Mô Thể của Bí Tích Truyền Chức như nói ở trên đó là: Mô Thể của Bí Tích Truyền Chức phải diễn tả rõ ràng hiệu quả của Bí Tíchđó là: Quyền Chức Thánh (Potestas Ordinis)  và Ơn của Chúa Thánh Thần (Gratia Spiritus Sancti), đúng như ý nghĩa mà Giáo Hội nhìn nhận và sử dụng

Thứ đến là, Ơn của Chúa Thánh Thần: Vẫn chỉ có cụm từ “Spiritum Pricipalem – Thánh Thần Thủ Lãnh” hoặc “Thánh Thần Quản Trị – Governing Spirit” như trong Mô Thể bằng Tiếng Anh đã dịch. “Thánh Thần Thủ Lãnh” diễn tả ơn gì? Ơn lãnh đạo, ơn quản trị của Chúa TT ban cho người lãnh đạo hoặc người quản trị chăng? Nếu đó là ơn lãnh đạo quản trị thì các “giám mục” Anh Giáo,  Tin Lành hoặc Mormon, cũng lãnh đạo, cũng quản trị. Thậm chí, Linh Mục cũng lãnh đạo, cũng quản trị một cách nào đó! Đâu có gì rõ ràng. Còn nếu hiểu chung chung là Ơn CTT thì, Bí Tích Thêm Sức cũng ban Ơn CTT.

Thêm nữa, Nghi Thức Mới, xét trong toàn thể cũng như trong chính Mô Thể, đã lặp lại những sai lầm không chỉ giống như, mà còn tệ hại hơn là Nghi Thức Anh Giáo mà Đức Leo XIII đã phán quyết là vô hiệu.

Thật vậy, Mô Thể trong Nghi Thức Anh Giáo ta đọc thấy: “… Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần cho chức vụ và công việc của một Giám Mục….”. Như vậy, Nghi Thức Anh Giáo không chỉ nài xin Chúa Thánh Thần chung chung nào đó đến với tân chức , mà còn xác định rõ ràng đó là một Chúa Thánh Thần “cho chức vụ và công việc của một giám mục”. Mặc dầu vậy, Đức Leo XIII vẫn khẳng định rằng, Nghi Thức Anh Giáo không thể được coi là có cùng ý nghĩa như Nghi Thức Công Giáo bởi vì tất cả những từ diễn tả “Sự Viên Mãn Sứ Vụ – Summam Mininterii ”;  hay “Chức Linh Mục Viên MãnSummum Sacerdotium” đã hoàn toàn bị loại bỏ. (Apostolicae Curae, 28).

Trong khi đó ta thấy, Nghi Thức Mới chỉ có duy nhất cụm từ “Thánh Thần Thủ Lãnh – Spiritum Principalem”. Và như đã nói ở trên, cụm từ này hoàn toàn mơ hồ tối nghĩa, không ai hiểu là nó diễn tả cụ thể điều gì. Nghi Thức Mới mơ hồ hơn Nghi Thức Anh Giáo ở chỗ, nó không có thêm những chữ “cho chức vụ và công việc của một giám mục” như Nghi Thức Anh Giáo. Ngoài ra, tất cả những từ có nghĩa tương đương hoặc có ý diễn tả “Sự Viên Mãn Sứ Vụ – Summam Mininterii ” hay  “Summum Sacerdotiumchức linh mục tròn đầy” cũng đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Nghi Thức Mới.

Đến đây đủ thấy rằng, nếu Nghi Thức Anh Giáo đã bị Đức Leo XIII phán quyết là hoàn toàn trống rỗng và vô hiệu, thì Nghi Thức Mới, một nghi thức còn mơ hồ tối nghĩa hơn nữa, càng đáng phải cùng chung một số phận như thế: trống rỗng và vô hiệu.

Ngoài ra, cũng cần phải nói ngay đến những khác biệt ở những lời mở đầu của Mô Thể. Nghi Thức Cũ xác định rõ ràng người căn tính của người đang được truyền chức giám mục, đó chính là linh mục (Xin Cha hoàn thiện trong Linh Mục này…). Trong khi đó, Nghi Thức Mới dùng thứ ngôn ngữ bao hàm (inclusive language) rất chung chung và có tính đại kết: “xin Cha tuôn đổ trên vị tiến chức này” hoặc như trong tiếng Anh dịch là “người được tuyển chọn này – the chosen one. Căn tính của “tiến chức này” hoặc “người được tuyển chọn này” là gì hoàn toàn không rõ. Cách dùng từ có nội hàm rộng và đại kết như thế, hoàn toàn không diễn tả chính xác ý nghĩa của Mô Thể như GH vẫn hiểu.

Như vậy ta thấy, Nghi Thức Mới đã dùng Mô Thể bị thay đổi một cách toàn diện và căn bản đến mức nó không còn diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh (Potestas Ordinis)  và Ơn của Chúa Thánh Thần (Gratia Spiritus Sancti), đúng theo như nghĩa mà Giáo Hội vẫn luôn nhìn nhận và sử dụng. (SO, 4).

Và khi Mô Thể đã bị sai sót nghiêm trọng như vậy, ta hoàn toàn có lý do chính đáng để khẳng định rằng: Nghi Thức Mới đã không cóchủ ý làm như Giáo Hội làm”. Khẳng định này cũng được rút ra từ logic mà Đức Leo XIII đã áp dụng trong Apostolicae Curae để phán quyết về Nghi Thức Anh Giáo. Logic đó là:

“Thiếu sót trong của Mô Thể luôn kèm theo với thiếu sót của “chủ ý”. Giáo Hội không phán xét những gì thuộc về trí não và chủ ý vì tự bản chất, nó thuộc về nội tâm bên trong, nhưng Giáo Hội chỉ phán xét những gì bộc lộ rõ ràng bên ngoài mà thôi. Một người đã cẩn thận sử dụng đúng chất thể và mô thể như quy định cho việc cử hành và trao ban bí tích, thì chính điều đó được kể như là có chủ ý làm như Giáo Hội làm. Mặt khác, nếu nghi thức bị thay đổi với chủ ý rõ ràng nhằm tạo ra một nghi thức khác không được phê chuẩn bởi Giáo Hội và chủ ý phủ nhận điều Giáo Hội làm và những gì thuộc về bản chất của Bí Tích như Đức Kitô đã thiết lập, thì rõ ràng là “chủ ý làm như Giáo Hội làm” chẳng những bị thiếu nhưng chính chủ ý đó đã bị đảo ngược nhằm phá huỷ Bích Tích” (Apostolicae Curae, 33).

Kết Luận Về Nghi Thức Mới:

Nghi Thức Mới trong việc Truyền Chức Giám Mục đã sử dụng Mô Thể hàm hồ tối nghĩa, không diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh Giám Mục và Ơn của Chúa Thánh Thần đúng như Giáo Hội nhìn nhận và sử dụng. Sự thay đổi Mô Thể như vậy đã làm thay đổi bản chất của Bí Tích như Giáo Hội vẫn hiểu. Do vậy, Mô Thể đó phải bị coi là vô hiệu (invalid form).

Nghi Thức Mới, xét trong toàn thể cũng như trong chi tiết, đã lặp lại những sai lầm thiếu sót hoàn toàn giống, và còn tệ hơn, so với Nghi Thức Truyền Chức Anh Giáo. Đó là, đã loại bỏ tất cả những từ ngữ và ý niệm diễn tả “Chức Linh Mục Viên Mãn – Summum Sacerdotium”.

Vì những thiếu sót căn bản và nghiêm trọng như trên, hiệu quả bí tích của Nghi Thức Mới thật sự đáng bị nghi ngờ, và một khi hiệu quả bị nghi ngờ trên nguyên tắc, thì trong thực tế phải bị coi là VÔ HIỆU.

Đến đây ta hiểu sự tinh vi trong chủ ý của những người đã tạo ra Nghi Thức Mới đó là: Đó Phá huỷ Chức Giám Mục Công Giáo Tông Truyền. Khi không có Chức Giám Mục thật thì sẽ không có gì hết. Giáo Hội chỉ là một tổ chức trống rỗng y chang như các giáo phái Tin Lành và Anh Giáo, vẫn có những vẻ ngoài của Công Giáo và các Bí Tích, nhưng bên trong thì thật sự, tất cả chúng ta đều giống nhau: không có chức linh mục thật; không có thánh lễ thật; và không có phép tha tội thật. Kho tàng ân sủng các Bí Tích đã hoàn toàn bị mất!

 

Trên đây là những lý lẽ chứng minh sự vô hiệu của Nghi Thức Mới. Giờ ta thử cố tìm chứng cứ biện hộ xem sao. Ta sẽ tạm chia ra thành hai chứng cứ: nội tại và ngoại tại.

Chứng cứ nội tại: gọi như vậy vì đây là chứng cứ nằm trong chính Tông Hiến ban hành Nghi Thức Mới (Constitutio Apostolica: Novi Ritus Approbantur Ad Ordinationem Diaconi, Presbyteri et Episcopi).

Đọc Tông Hiến ta thấy, lý do chính yếu của việc cho ra đời Nghi Thức Mới đó là nhằm: phục hồi Nghi Thức trở về với hình thức ban đầu cổ xưa của nó, hầu diễn tả hài hoà cách hiểu của cả hai truyền thống Đông và Tây Phương về Chức Giám Mục.

Để đạt mục đích đó, Tông Hiến đã dựa vào tài liệu có tên “Apostolic Tradition of Hippolytus of Rome”, được viết vào đầu thế kỷ thứ ba. Lời Nguyện Phong Chức này vẫn được dùng trong Nghi Thức Truyền Chức theo Nghi Thức Coptic và Tây Syria. Vì thế, Tông Hiến khẳng định việc cần thiết phải thêm vào, xoá bỏ, hoặc thay đổi một số điều nhất định để phục hổi Nghi Thức trở về với hình thức cổ xưa đã có, nhằm diễn tả rõ ràng những hiệu quả của các bí tích.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu ta thấy, lý do biện hộ cho Nghi Thức Mới như trên là không thoả đáng vì những lý do sau:

Một là, Lời Nguyện Phong Chức của Nghi Thức Mới thực ra chỉ vay mượn những từ của Lời Nguyện trong các Nghi Thức Tấn Phong Thượng Phụ theo Nghi Lễ Maronite và Syrian, là những người đã có Chức Giám Mục, chứ đó không phải là sự vay mượn từ chính Lời Nguyện Phong Chức Giám Mục theo Nghi Thức Công Giáo Đông Phương.

Hai là, Nghi Thức Mới đã không diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh tương ứng với Chức Giám Mục. Trái lại, đó chỉ là một diễn đạt hoàn toàn mơ hồ như đã trình bày ở trên.

Ba là, không có lý do gì có thể biện minh cho việc bỗng dưng bãi bỏ hoàn toàn Công Thức Bí Tích mà Giáo Hội Công Giáo Roma vẫn dùng, để thay vào đó là một Công Thức Bí Tích Mới hoàn toàn khác lạ, và rất mơ hồ về Chức Giám Mục. Nghi Thức Mới quả thật đã diễn tả đúng như tên gọi của nó: Nghi Thức Mới đã diễn tả bản chất một bí tích mới, hoàn toàn khác với bản chất của BT Truyền Chức như Giáo Hội vẫn hiểu.

Bốn là, lý do có vẻ chính đáng để biện hộ cho Nghi Thức Mới đó là: phục hồi trở về với hình thức thuở cổ xưa ban đầu! Đây là giọng điệu quen thuộc mà Lạc Giáo – Modernism – chuyên kiếm cớ dựa vào, nhằm tạo ra thay sự đổi bằng mọi giá. Tất cả đều dựa trên câu “thần chú”:  phục hồi về thuở ban đầu. Giọng điệu “duy cổ xưa” này đã bị Đức Pio XII bác bỏ thẳng thừng trong một thông điệp về Phụng Vụ: Hình thức cổ xưa của Phụng Vụ tuy đáng trân trọng nhưng không bao giờ được coi là phù hợp và đúng đắn hơn cho những thời sau này và hoàn cảnh mới.. (Thông Điệp Đấng Trung Gian Của Thiên Chúa – Mediator Dei, 20-11-1947, #61)

Như vậy ta thấy, lý do và mục đích mà chính Tông Hiến đưa ra biện minh cho Nghi Thức Mới có vẻ rất chính đáng. Nhưng thực tế vừa nêu cho thấy một sự thật ngược lại: một Nghi Thức Truyền Chức rất mơ hồ đã được tạo ra và đưa vào sử dụng.

Chứng cứ ngoại tại: tạm gọi như thế vì, đây là lý do sau cùng được đưa ra để biện hộ cho Nghi Thức Mới. Lý do ấy có thể được phát biểu thế này: Cho dù Nghi Thức Mới có những thiếu sót và những diễn tả không rõ ràng về Chức Giám Mục như nói ở trên, nhưng việc nó được Giáo Hội phê chuẩn và áp dụng, chính điều đó đảm bảo sự thành hiệu của Nghi Thức Mới! 

Lý lẽ biện hộ này có vẻ rất thuyết phục và nó diễn tả một “niềm tin tưởng phó thác cao độ” vào Giáo Hội. Tuy nhiên, ngược lại, đó lại là một lý lẽ yếu đuối nhất để biện hộ cho Nghi Thức Mới. Tại sao vậy? Tại vì, Giáo Hội khẳng định rằng, Giáo Hội không có quyền thay đổi bản chất của Bí Tích, tức những gì liên quan đến Dấu Chỉ Bí Tích là chất thể và mô thể. Giáo Hội chỉ có quyền thay đổi những gì liên quan đến việc quản trị và ban phát các Bí Tích mà thôi (Denzinger, 570, 931, 2147).

Như đã nói trong phần Giáo Lý Tổng Quát Về Bí Tích ở trên: Các Bí Tích là do Đức Kitô thiết lập. Do vậy, phần Dấu Chỉ Bí Tích, gồm chất thể và mô thể, luôn được Giáo Hội gìn giữ, tuyệt đối bất biến qua mọi thời. Giáo Hội không có quyền động chạm thay đổi bản chất của Bí Tích. Nếu cố tính làm thay đổi bản chất của Bí Tích, tất yếu sẽ dẫn đến việc phá huỷ Bí Tích do Đức Kitô thiết lập để tạo ra một “bí tích khác”. Đó là điểu không thể.

Do đó, ngay ở số đầu tiên của Tông Hiến Sacramentum Ordinis, Đức Pio XII đã thẳng thắn tái khẳng định: “Vì những Bí Tích này được thiết lập bởi Đức Kitô, Chúa chúng ta, qua các thể kỷ, Giáo Hội chưa bao giờ thay đổi hoặc có thể thay đổi, vì như Công Đồng Trento dạy rằng: tất cả bẩy Bí Tích của Luật Mới đều được thiết lập bới Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Giáo Hội không có quyền trên “bản chất của các Bí Tích”, tức là trên những điều, như được chứng thực từ những nguồn mạc khải thần linh, do chính Đức Kitô đã thiết lập để tuân giữ như những dấu chỉ bí tích.” (Sacramentum Ordinis, 1).

Như vậy ta thấy, xét trên cả chứng cứ nội và ngoại tại, tuyệt nhiên không có một lý do nào khả dĩ để biện hộ cho Nghi Thức Mới.

Kết luận chung về Nghi Thức Mới.

Nghi Thức Mới trong việc Truyền Chức Giám Mục đã sử dụng Mô Thể hàm hồ tối nghĩa, không diễn tả rõ ràng Quyền Chức Thánh Giám Mục và Ơn của Chúa Thánh Thần đúng như Giáo Hội nhìn nhận. Sự thay đổi Mô Thể như vậy đã làm thay đổi bản chất của Bí Tích như Giáo Hội vẫn nhìn nhận. Do vậy, Mô Thể đó phải bị coi là vô hiệu (invalid form).

Nghi Thức Mới đã làm thay đổi cách toàn diện và căn bản Mô Thể, phần bản chất của Bí Tích Truyền Chức, do chính Đức Kitô thiết lập. Và như vừa nói, Giáo Hội không có quyền thay đổi bản chất của Bí Tích. Do vậy, Nghi Thức Mới là vô hiệu trên cả hai phương diện pháp lý và thực hành. Phương diện pháp lý, việc thông qua Nghi Thức Mới là bất hợp pháp vì Giáo Hội không có quyền thay đổi những gì liên quan đến bản chất của Bí Tích, tức chất thể và mô thể. Về phương diện thực hành, việc áp dụng Nghi Thức Mới sẽ làm cho hiệu quả Bí Tích đáng bị nghi ngờ và trên thực tế phải bị coi là vô hiệu.

Nếu Chức Giám Mục Tông Truyền đã thực sự bị mai một, thì “công giáo hiện đại” ngày nay đã thực sự trở nên như một giáo phái (Giáo Phái Vatican II) ngang hàng và đồng hạng như hàng trăm các giáo phái ly giáo và lạc giáo khác. Cũng có tổ chức cơ cấu y chang Giáo Hội Công Giáo nhưng phần cốt tuỷ nhất là Chức Linh Mục và Thánh Thể đã không còn.

+++++++

[1] John A MacHugh, Ecclesia catholica, and Concilium tridentinum, eds., Catechism of the Council of Trent for Parish Priests: Issued by Order of Pope Pius V (Rockford Ill.: Tan Books, 1982), 149.

[2] Ludwig Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, Reprint edition (Place of publication not identified: TAN Books, 1992), 326.

[3] Clarence R. McAuliffe, Sacramental Theology: A Textbook for Advanced Students, Revised edition (Herder, 1961), 3.

[4] Henry Davis, S.J., MORAL AND PASTORAL THEOLOGY: A SUMMARY (London and New York: Sheed and Ward, 1952), 193.

[5] MacHugh, Ecclesia catholica, and Concilium tridentinum, Catechism of the Council of Trent for Parish Priests, 157.

[6] MacHugh, Ecclesia catholica, and Concilium tridentinum, 158.

[7] Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, 336–337.; McAuliffe, Sacramental Theology, 38–39.

[8] Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, 336.

[9] McAuliffe, Sacramental Theology, 39–43.

[10] MacHugh, Ecclesia catholica, and Concilium tridentinum, Catechism of the Council of Trent for Parish Priests, 159.

[11] SJ Clarkson John H. Edwards, SJ John F., The Church Teachers Documents of the Church in English Translation, Text Edition edition (B. Herder Books, 1957), 264.

[12] Clarkson, 264.

[13] Henry Denzinger, The Sources of Catholic Dogma, 2. print (Fitzwilliam, NH: Loreto Publ, 2004), 221.

[14] McAuliffe, Sacramental Theology, 65.