TẠI SAO LỄ MỚI CỦA VATICAN II CẦN PHẢI BỊ TẨY CHAY?

Sách Lễ Mới (SLM) chính là sách lễ đang được dùng hiện tại trong hầu hết các nhà thờ hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam. SLM được ban hành ngày 3/4/1969. Mặc dù ra đời từ năm 1969 nhưng được gọi là SLM là để phân biệt với Lễ La Tinh Truyền Thống trước đó của Giáo Hội (nay gọi tắt là Lễ Truyền Thống – LTT), được Đức Pio V ban hành từ năm 1570. Bài này sẽ chứng minh tại sao Lễ Mới của Vatican II cần phải bị tẩy chay.

Trước khi đi vào chi tiết, xin được nói qua về LTT. Đây là bộ sách lễ Đức Pio V hệ thống hoá, đúc kết, và ban hành năm 1570. Bộ Lễ này phản ánh cách trung thực nhất niềm tin của Giáo Hội về thánh lễ được truyền lại từ thời các tông đồ, đến các giáo phụ và qua các thế kỷ. Ngày 14/7/1570, Đức Pio V ban hành Tông Hiến Quo Primum – Từ Thuở Ban Đầu – chính thức giới thiệu LTT cho toàn thể Giáo Hội. Tông Hiến có đoạn: “Tất cả mọi nơi hãy tuân giữ và áp dụng những gì Hội Thánh Rôma, Mẹ và Thầy dạy của các giáo hội, đã truyền lại, và các thánh lễ không được cử hành theo một thể thức nào khác ngoài thể thức mà chúng tôi ấn hành đây. Mệnh lệnh này áp dụng từ này trở đi và cho đến muôn đời, trong khắp các miền của thế giới Kitô, tất cả các thượng phụ, các nhà thờ chính toà, các nhà thờ giáo xứ và dòng tu, dòng hay triều, nam hay nữ, kể cả các dòng về quân đội, và kể các nhà thờ và nhà nguyện không rõ ràng thuộc về một đoàn thể nào trong đó các thánh lễ phải được hát lớn tiếng hay đọc thầm phù hợp với nghi lễ và tập tục của Giáo Hội Rôma. Tất cả các nhà thờ phải dùng Bộ Lễ này, kể các nơi được quyền miễn trừ dù là do đặc ân Tông Toà, tập tục hay đặc quyền, hoặc kể cả do cam kết hay xác nhận chính thức của Toà Thánh, hoặc kể cả do quyền hay năng quyền được bảo đảm bằng bất cứ cách nào khác….Do vậy bất cứ ai dám thay đổi những phép tắc, chỉ thị, huấn lệnh, mệnh lệnh, điều luật, đặc ân, ân ban, tuyên ngôn, ý muốn, sắc lệnh, và ngăn cấm này của chúng tôi, hãy biết rằng kẻ đó phải hứng chịu cơn giận dữ của Thiên Chúa toàn năng, và của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô.” (Quo Primum, ngày 14/7/1470).

Như vậy, Tông Hiến Quo Primum dùng những lời rất trang nghiêm và mang tính bó buộc đối với Giáo Hội ở khắp mọi nơi và mọi thời, và cho đến muôn đời. Mọi nhà thờ và nhà nguyện trong toàn Giáo Hội Công Giáo, phải cử hành thánh lễ theo LTT mà Đức Pio V đã đúc kết và ban hành. Kể từ đó, LTT này được toàn thể Giáo Hội trung thành tuân giữ, không hề thêm thắt gì cho đến năm 1962, khi Gioan XXIII dám cả gan đưa tên của Thánh Giuse vào phần Lễ Quy, để rồi sau đó LTT bị chính thức bãi bỏ và thay thế bằng Lễ Mới của Vatican II năm 1969.

SỰ RA ĐỜI CỦA SÁCH LỄ MỚI – SLM:

SLM là kết quả của cuộc cách mạng phụng vụ do Vatican II khởi xướng như đã nói ở bài trước. Vatican II thay đổi cái nhìn về phụng vụ, ắt phải dẫn đến việc thay đổi sách lễ cho phù hợp với cái nhìn đó. Vì vậy, ngay sau khi Vatican II kết thúc, Phao-lô VI đã thiết lập một Uỷ Ban chuyên trách cho việc biên soạn SLM và sách nghi thức các bí tích.

Đáng chú ý, người đứng đầu Uỷ Ban soạn thảo SLM là Tổng Giám Mục Annibale Bugnini, một chuyên viên về phụng vụ tại Vatican II và là kiến trúc sư trưởng của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium. Bugnini bị cáo buộc là thành viên Tam Điểm (freemason) thứ thiệt, đã khai tâm vào Tam Điểm ngày 23/4/1963. Sau khi những cáo buộc này được chứng minh, Bugnini thay vì phải bị trừng phạt theo luật, lại được cử sang làm sứ thần tại Iran! Ngoài Bugnini, Uỷ Ban soạn thảo SLM còn có sự tham gia của 6 mục sư Tin Lành!

Mục đích của việc soạn thảo SLM là gì? Theo Jean Guitton, một người bạn thân của Phaolô VI, cho biết: “Ý muốn của giáo hoàng Phaolô VI đối với việc soạn thảo SLM là để cải cách Phụng Vụ Công Giáo sao cho giống với phụng vụ Tin Lành. Với ý hướng đại kết, giáo hoàng muốn loại bỏ, hoặc ít nhất cũng phải sửa đổi hay giảm nhẹ những gì quá Công Giáo trong cách hiểu truyền thống về thánh lễ, và tôi nhắc lại, để làm cho thánh lễ gần hơn với thánh lễ Calvin.[1] (Jean Calvin, thần học gia người Pháp, là nhà cải cách Tin Lành, ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo khoảng năm 1530. Ảnh hưởng thần học của Calvin hình thành trường phái gọi là Calvinism).

Vậy để làm cho SLM trở nên giống với lễ Tin Lành, những gì trong LTT đã bị sửađổi và loại bỏ? Việc sửa đổi và loại bỏ là vô cùng nhiều nên không thể nói chi tiết trong một bài ngắn thế này được. Xin được trình bày vắn tắt như sau.

LTT gồm tổng cộng 1182 lời nguyện nhập lễ.  Ủy Ban Soạn Thảo đã loại bỏ hoàn toàn 760 lời nguyện trong tổng số đó. Trong khoảng 36 % số lời nguyện còn lại, quá một nửa trong đó bị sửa đổi trước khi đưa vào SLM. Như vậy chỉ còn khoảng 17% trong tổng số 1182 lời nguyện của LTT còn được giữ lại trong SLM! Tất cả các lời nguyện trong LTT có nhắc đến các ý niệm sau đây đều bị loại bỏ: sự huỷ hoại của tội lỗi, mưu chước ma quỷ, sự xúc phạm nặng nề của tội lỗi, đường dẫn đến sự hư mất, sợ hãi trước cơn giận của Thiên Chúa, sự phẫn nộ của Thiên Chúa và sự trừng phạt của Người, gánh nặng sự dữ, những cám dỗ, những suy nghĩ đồi bại, những nguy hại cho linh hồn, những kẻ thù của linh hồn và thể xác, giờ chết, mất phúc thiên đàng, cái chết đời đời, án phạt đời đời, những đau khổ của lửa hoả ngục. Đặc biệt tập chú vào việc loại khỏi LTT những gì đề cập đến việc từ bỏ thế gian, lời cầu nguyện cho kẻ đã khuất, đức tin chân thật và các lạc giáo, những liên hệ đến Giáo Hội chiến đấu, công nghiệp các thánh, phép lạ và hoả ngục. Tất cả những ý niệm trên đều không được đưa vào SLM.[2]

Bên Anh, khi những người Tin Lành ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ 16, họ đã thay đổi thánh lễ cho phù hợp với đức tin lệch lạc của họ: bàn thờ (altar) được thay thế bằng bàn thông thường như bàn ăn (table), tiếng La-tinh được thay bằng tiếng Anh, các ảnh tượng bị đưa ra khỏi nhà thờ, Tin Mừng sau cùng – The Last Gospel (đọc khi kết thúc thánh lễ) và Kinh Cáo Mình – confiteor cũng bị loại khỏi thánh lễ, nhạc Bình Ca được thay bằng tân nhạc, thánh lễ được đọc lớn tiếng và chủ tế đối mặt với cộng đoàn. Luật rước lễ dưới một hình bị bãi bỏ và thay vào đó là rước lễ dưới hai hình (Bánh và Rượu). Cho mọi người Rước lễ bằng tay để khẳng định rằng bánh đó chỉ là bánh thường chứ không phải Mình Thánh Chúa, và cũng để khẳng định rằng linh mục, về bản chất, không có gì khác với giáo dân.!

Người Tin Lành phủ nhận thánh lễ là hy tế thập giá của Chúa Giêsu. Bởi đó họ tuyên bố: “hình thức một cái bàn sẽ đưa những kẻ ngu ngốc cuồng tín thánh lễ Công Giáo về với nghi thức đúng đắn của Bữa Tiệc Ly. Việc sử dụng bàn thờ là để làm lễ hy sinh trên đó, còn việc sử dụng cái bàn là để cho người ta dùng bữa trên đó.[3] . Thánh Robert Bellarmine đã bài bác lối trang trí trong đền thờ của những kẻ lạc giáo như sau: “khi chúng ta bước vào đền thờ của những kẻ lạc giáo, chẳng có gì ngoài một cái ghế cho người giảng và một cái bàn để dùng bữa, chúng ta cảm thấy như là đang bước vào một cái hội trường phàm tục chứ không phải là nhà của Thiên Chúa.”[4]

Tất cả những lời nguyện hay lời đọc có ý hiểu thánh lễ như là một hy tế hay một hy lễ chuộc tội, đều bị loại bỏ, không đưa vào SLM. Tất cả những lời kinh nguyện trong thánh lễ có nại đến sự chuyển cầu của các thánh đều bị loại bỏ. Cụ thể trong Kinh Cáo Mình, loại bỏ không còn kêu cầu đích danh đến Đức Trinh Nữ Maria, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Phê-rô và Phao-lô.

Lời nguyện linh mục đọc khi dâng bánh, rượu trong phần chuẩn bị lễ vật bị loại bỏ hoàn toàn, không còn minh nhiên nhắc đến ý nghĩa đền bù tội lỗi và sinh ơn cứu độ của lễ vật nữa. Thay vào đó là lời nguyện đơn giản trước bữa ăn của người Do-thái như ta thấy dưới đây:

Khi dâng bánh:

SLM: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”

LTT: “Lạy Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin đón nhận bánh tinh tuyền này mà con là tôi tớ bất xứng của Cha dâng lên Cha là Thiên Chúa chân thật và hằng sống của con, vì muôn vàn tội lỗi, xúc phạm, và thờ ơ của con, vì mọi người hiện diện nơi đây cũng như mọi tín hữu, còn sống hay đã qua đời, ước gì bánh tinh tuyền này sinh ơn cứu độ cho con và cho họ cho đến cuộc sống muôn đời. Amen.” 

Khi dâng rượu:

SLM: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.”

LTT: “Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa chén cứu độ này, khẩn khoản nài xin lòng nhân từ Chúa cho chén cứu độ này được nâng lên trước tôn nhan Chúa như hương thơm ngào ngạt, vì ơn cứu độ của chúng con và của toàn thế giới. Amen.

Lời nguyện linh mục đọc sau Kinh Lạy Cha cũng loại bỏ phần chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, các Thánh Tông Đồ Phê-rô, Phao-lô, An-rê, và toàn thể các thánh.

Phần lời cầu nguyện cho người Do-thái trong phụng vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cũng bị thay đổi hoàn toàn tự bản chất. LTT chúng ta đọc: “cầu cho những người phản bội Do-thái, để Thiên Chúa chúng ta cất đi màn che phủ lòng trí họ, ngõ hầu họ có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.” Còn trong SLM lại đọc: “cầu cho người Do-thái, cha ông họ là những người đầu tiên được nghe lời Chúa phán dạy, xin Chúa làm cho họ ngày càng thêm lòng mến yêu danh thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người”! SLM không còn cầu cho người Do-thái được ơn hoán cải tin theo Chúa Giêsu nữa. Trái lại, cầu cho họ cứ tiếp tục trung thành với giao ước cũ, cứ tiếp tục chối bỏ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi.!!

Phần cầu cho những kẻ không tin, LTT cầu nguyện cho họ với ý tưởng rõ ràng là cho họ được ơn hoán cải tin theo Chúa Giêsu. Xin Chúa giải thoát họ khỏi lầm lạc tôn thờ ngẫu tượngliên kết họ vào gia đình Hội Thánh. SLM tách đối tượng “những kẻ không tin” này thành hai nhóm: nhóm ngoài Kitô Giáonhóm vô thần. Ý tưởng cầu nguyện cho hai nhóm này thiếu xác tín như trong LTT: đó là ơn hoán cải. Với người ngoài Kitô Giáo, SLM cầu cho họ được dẫn vào đường cứu độ. Đường cứu độ đây là đường nào? Quá chung chung và không rõ ràng, bởi vì Vatican II nhìn nhận quyền tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo đồng nghĩa với việc nhìn nhận các tôn giáo khác cũng là đường dẫn đến ơn cứu độ như đã nói ở bài trước. Với người vô thần, SLM xác nhận họ là những người tuy không biết Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng! Sách Giáo Lý ra đời năm 1992 do ảnh hưởng của Vatican II còn dạy: do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, bản tính con người đã bị hư hỏng, họ bị thống trị bởi sự chết, bởi lầm lạc và luôn hướng chiều về tội lỗi (GL 1992, số 417-418). Vậy mà ở đây, SLM khẳng định người vô thần, dù không biết Thiên Chúa, vẫn biết sống theo lương tâm ngay thẳng! Xét về bản chất, SLM không còn nhìn nhận những người ngoài Kitô giáo là những người lầm lạc về tôn giáo nữa. Do vậy mà ý muốn của lời nguyện thiếu xác tín mạnh mẽ như trước. Bởi vì có gặp được Chúa hay không thì những người ngoài Kitô giáo cũng vẫn biết “sống theo lương tâm ngay thẳng”. Vậy đâu cần phải tin Chúa làm chi. Chúng tôi cũng có chân lý mà!!

Giống như buổi phụng vụ Tin Lành được kết thúc bằng một phép lành, SLM cũng loại bỏ Tin Mừng Cuối Cùng và thay vào đó là phép lành cuối lễ.

Ta thấy, hầu hết những kiểu thực hành của trong phụng vụ Tin Lành như: dùng bàn có trải khăn thay cho bàn thờ, ghế chủ toạ hướng về cộng đoàn, sử dụng tiếng bản địa, tân nhạc, rước lễ bằng tay, rước lễ dưới hai hình, phép lành cuối lễ…tất cả những điều này đều được áp dụng trong phụng vụ thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo sau Vatican II.

Ngoài những thay đổi như trên, một sự thay đổi căn bản và gây ra nhiều tranh luận về sự thành hiệu của Thánh Lễ, đó là thay đổi về lời truyền phép. Lời truyền phép trong thánh lễ được gọi Mô Thể/Công Thức Bí Tích (Sacramental Form) của Bí Tích Thánh Thể. Đây là những lời tối cần thiết cho việc thành sự của Bí Tích. Việc thành sự của Bí Tích Thánh Thể là bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa.

Theo thần học bí tích của Giáo Hội dạy: “tất cả các bí tích được thành sự bởi 3 yếu tố gồm: chất thể (material) là các sự vật, mô thể (form) là lời đọc, và thừa tác viên (minister) cử hành theo như ý (intention) Giáo Hội làm; nếu thiếu một trong 3 yếu tố này, bí tích sẽ không thành sự.” (Denzinger, 695)

LTT sử dụng Công Thức được Công Đồng Florence (1439) xác định như sau: “VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY (hoc est enim corpus meum); và: VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, MÀU NHIỆM ĐỨC TIN, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI (hic est enim calix sánguinis mei, novi et ætérni testámenti: mystérium fídei: qui pro vobis et pro multis effundétur in remissiónem peccatórum)” (Denzinger, 715).

Trong SLM, Công Thức trên bị thay đổi thành: VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY; và: VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI, GIAO ƯỚC VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI. (từ năm 2007, bản dịch tiếng Việt mới sửa lại thành: VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI).

Như vậy ta thấy, Công Thức trong SLM đã loại bỏ chữ “MÀU NHIỆM ĐỨC TIN” và thay chữ “NHIỀU NGƯỜI” bằng chữ “MỌI NGƯỜI”. Chỉ đến năm 2007, chữ “MỌI NGƯỜI” mới được sửa lại thành “NHIỀU NGƯỜI”. Bản dịch tiếng Anh năm 2011 cũng mới đính chính lại điều này: từ “FOR YOU AND FOR ALL” thành “FOR YOU AND FOR MANY“.

Đức Pio V dạy, nếu lời truyền phép bị thay đổi, thì ý nghĩa cũng bị đổi thay, và hậu quả là bí tích sẽ không thành sự. Do đó, việc SLM thay đổi công thức truyền phép như nói trên, đã gây ra nhiều hoài nghi về việc thành sự của Bí Tích Thánh Thể.

Ý nghĩa của chữ “MÀU NHIỆM ĐỨC TIN – mysterium fidei” mà Uỷ Ban Soạn Thảo SLM loại bỏ là gì? Nhiều chất vấn cho rằng, ai đã đưa chữ “mysterium fidei” vào công thức truyền phép? Chữ này không được Chúa Giêsu nhắc đến và các tác giả sách thánh cũng không thấy ghi lại. Đáp lại câu hỏi này, Đức Innocent III, trong thư Cum Marthae Circa trả lời cho Tổng Giám Mục John của Lyon ngày 29/11/1202, đã giải thích ý nghĩa của chữ “mysterium fidei” như sau: “liên quan đến chữ “mysterium fidei” mà hiền đệ đang tìm tòi, có vài người nghĩ rằng đã tìm thấy bằng chứng củng cố cho sai lầm của họ, họ nói rằng, trong Bí Tích Thánh Thể, điều ta thấy đó không phải là Mình và Máu Chúa Kitô mà chỉ là một hình ảnh, một vẻ bề ngoài, một biểu tượng, vì chính Thánh Kinh đôi khi cũng nói những gì được lãnh nhận nơi bàn thờ là bí tích, là màu nhiệm và là hình bóng. Những người này đã sai lầm vì họ chẳng hiểu chứng từ của Thánh Kinh cách đúng đắn cũng chẳng trân trọng đón nhận các bí tích thánh cho phải đạo, họ chẳng hiểu Thánh Kinh cũng chẳng biết quyền năng của Thiên Chúa (Mt 22, 29). Vậy, cụm từ “mysterium fidei” được dùng ở đây là bởi vì điều ta tin khác với điều ta thấy và điều ta thấy khác với điều ta tin. Điều ta thấy chỉ là vẻ ngoài của bánh và rượu, còn điều ta tin chính là thực tại thịt và máu Chúa Kitô, sức mạnh thực sự của tình yêu và sự hiệp nhất.” (Denzinger, 414)

Qua những lời trên ta thấy, cụm từ “mysterium fidei” trong công thức truyền phép của LTT là một quy chiếu rõ ràng về sự hiện diện đích thực (real presence) của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể. Chính vì ý nghĩa của “mysterium fidei” liên quan trực tiếp đến sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, mà cụm từ này bị Thomas Cranmer (1489-1556) loại bỏ khỏi Sách Kinh Nguyện Anh Giáo 1549. Đáng tiếc là sai lầm của lạc giáo Cranmer lại được lặp lại trong cuộc cách mạng phụng vụ của Vatican II.

Đức Pio V khẳng định, bất cứ một sự thêm bớt nào làm thay đổi ý nghĩa của Công Thức truyền phép, Bí Tích sẽ không thành sự. Trong sắc lệnh De Defectibus, Đức Pio V viết: “những sai lầm về Mô Thể/Công Thức có thể xảy ra khi có bất kỳ một thiếu sót nào liên quan đến những lời bắt buộc phải có cho việc truyền phép. Đây là những lời truyền phép làm nên Công Thức của Bí Tích này là: “VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY (hoc est enim corpus meum); và: VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, MÀU NHIỆM ĐỨC TIN, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI (hic est enim calix sánguinis mei, novi et ætérni testámenti: mystérium fídei: qui pro vobis et pro multis effundétur in remissiónem peccatórum). Nếu ai tinh giản hoặc thay đổi Công Thức truyền phép này làm cho sự thay đổi đó không còn diễn tả cùng một ý nghĩa, bí tích sẽ không thành.” (De Defectibus, ngày 14/7/1570, #20)

Ngoài việc loại bỏ cụm từ “mysterium fidei”, nhiều bản dịch SLM trước đây, bản tiếng Anh và tiếng Việt, cũng thay cụm từ “SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI” thành “SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ MỌI NGƯỜI”. Việc này thay đổi này tưởng như vô hại nhưng thực ra nó cũng làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của Công Thức truyền phép. Tại sao lại dùng chữ “NHIỀU NGƯỜI” chứ không phải là chữ “MỌI NGƯỜI”? Thưa, lý do thứ nhất là bởi vì chính Chúa Giêsu đã dùng chữ “NHIỀU NGƯỜI” khi Ngài lập phép Thánh Thể (Mt 26, 28); lý do thứ hai là để nói đến hiệu quả của Máu Thánh Chúa. Giáo Lý Công Đồng Trento[5] và Thánh Alphongso de Liguori đều dạy rằng: “cụm từ “CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI” được sử dụng là để phân biệt 2 khái niệm là giá trị và  hiệu quả của Máu Thánh Chúa. Máu Thánh Chúa có giá trị đủ để cứu chuộc mọi người, nhưng hiệu quảcủa Máu Thánh Chúa chỉ áp dụng cho một số người nào đó (chỉ những ai tin nhận mà thôi) chứ không phải cho tất cả.”[6]

NHỮNG PHẢN ỨNG KHI SLM RA ĐỜI:

Nhận định về SLM của Vatican II, Michael Davies viết: “mức độ SLM đi xa khỏi nền thần học về thánh lễ của Giáo Hội đã được xác định từ Công Đồng Trento có thể được đo lường cách chính xác nhất bằng cách so sánh những lời nguyện mà Uỷ Ban Soạn Thảo SLM đã loại bỏ với chính những lời nguyện đã bị loại bỏ bởi lạc giáo Cramer. Sự trùng hợp không chỉ đơn giản là rõ ràng, mà là kinh hồn. Đó không thể nào là sự ngẫu nhiên được.

Đáng kể nhất là, ngay sau khi SLM ra đời, Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani (1890-1979) cùng với Đức HY. Antonio Bacci (1885-1971) đã nhận xét rằng: “Sách Lễ Mới (Novus Ordo) rõ ràng là không còn trình bày đức tin như Công Đồng Trento truyền dạy nữaTrong toàn thể cũng như trong chi tiết, nó cho thấy một sự đi chệch rõ ràng khỏi nền thần học Công Giáo về thánh lễ đã được đóng khung trong phiên hop thứ 22 của Công Đồng Trentô. Những luật chữ đỏ (canons) của nghi thức thánh lễ đã được xác định dứt khoát vào thời kỳ đó, dựng nên một rào chắn không thể vượt qua, chống lại bất kỳ lạc giáo nào mưu toan tấn công sự toàn vẹn của màu nhiệm.[7]

Tiếp theo, hai Đức H.Y. đã bình luận định nghĩa về thánh lễ được nêu lên trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma Năm 1969 là mơ hồ tối tăm, là chân lý nửa vời hầu làm vui lòng những kẻ lạc giáo. Quy Chế 1969 định nghĩa về thánh lễ như sau: “Bữa Tiệc Ly của Chúa hay Thánh Lễ, là một cuộc hội họp thánh, hay một sự tụ họp của dân Chúa lại với nhau dưới sự chủ toạ của linh mục để cử hành cuộc tưởng niệm của Chúa.” Định nghĩa này bị coi là xúc phạm và gây nên phản ứng khắp nơi cho rằng Rôma đã cho ra đời một định nghĩa tuy ít lệnh lạc nhưng không nói lên điều gì so với định nghĩa tuyệt vời trước đây. Định nghĩa này đã bỏ qua hay chối bỏ 3 điểm giáo lý cốt lõi của thánh lễ:

  • Một là, chỉ duy linh mục, do tư cách tư tế của mình, có khả năng truyền phép.
  • Hai là, hy lễ đền tội của thánh lễ.
  • Ba là, sự hiện diện đích thực Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể qua sự biến đổi bản thể (transubstantiation).[8]

Hai vị HY đã gửi những nhận định của mình cho Phao-lô VI. Nhưng mối quan tâm của các ngài bị làm ngơ.

Tiếp theo làn sóng phản ứng về SLM do cuộc cách mạng Vatican II đem lại, nhiều tập thể đã tuyên bố tẩy chay SLM và toàn bộ giáo thuyết của Vitican II. Tiểu biểu là Huynh Đoàn Thánh Pio X của Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre, các nhóm tự xưng là Công Giáo Truyền Thống (Traditionalist), và các nhóm Sedevacantist cho rằng Vatican vẫn trống ngôi, không có Giáo Hoàng, kể từ sau cái chết của Đức Pio XII. Họ coi các Giáo Hoàng từ Vatican II trở lại đây đều mắc tội lạc giáo vì đã rao giảng giáo thuyết của Vatican II vốn bị các Công Đồng trước đây kết án là sai lầm. Và vì mắc tội lạc giáo nên các Giáo Hoàng tức khắc bị mất chức (GL 1917, điều 188, khoản 4).

Ngoài ra còn có rất nhiều các nhóm và cá nhân khác cũng phủ nhận cuộc cách mạng trong giáo thuyết và phụng vụ của Vatican II. Điểm chung của tất cả các nhóm và cá nhân này là không chấp nhận giáo thuyết cách mạng của Vatican II: giáo lý mới, phụng vụ mới (Sách Lễ Mới và Sách Nghi Thức Các Bí Tích của Phao-lô VI), và giáo luật mới (1983). Họ vẫn trung thành dâng lễ và cử hành các bí tích theo nghi thức trước Vatican II. Họ tin rằng SLM đã không trình bày thánh lễ như là một hy tế thập giá, một hy tế đền tội, một sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trên bàn thờ, nhưng lại trình bày thánh lễ như một bữa ăn (super), một sự tưởng nhớ đến Chúa mà thôi (a memorial of the Lord). Do vậy, Lễ Mới chỉ là buổi phụng vụ Tin Lành chứ không phải là Thánh Lễ Công Giáo.

Nhiều cuộc nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu đã chứng minh rằng, cuộc cách mạng Vatican II và SLM đã dẫn đến sự sụp đổ của Giáo Hội Công Giáo tại Phương Tây. Sự sụp đổ này khủng khiếp đến mức có thể nhận thấy bằng giác quan: hàng trăm ngàn linh mục và cả giám mục đã rời bỏ hàng ngũ và hồi tục; hàng trăm ngàn tu sỹ nam nữ đã rũ bỏ áo dòng; số giáo dân đến nhờ thờ sụt giảm nhanh chóng; các nhà thờ, tu viện, và chủng viện ngày càng trở nên trống vắng hoang vu, trở thành nơi tham quan, bảo tàng, thậm chí là bỏ hoang! Việt Nam ta vì chậm áp dụng và chưa áp dụng triệt để giáo thuyết của Vatican II nên bề ngoài vẫn thấy lạc quan lắm. Tuy vậy, đời sống Giáo Hội bắt đầu lao dốc đi xuống trong những năm gần đây.

Theo linh mục George Henry Duggan S.M, triết-thần học gia người New Zealand, sự sụp đổ của Giáo Hội tại Phương Tây và đang lan rộng ra các miền khác của thế giới là do ảnh hưởng của Tân Duy Tân Thuyết (Neo-Modernism). Tân Duy Tân Thuyết đã xây dựng một tổng hợp mang tính hệ thống những sai lầm trầm trọng về thần học, triết học và Thánh Kinh để trình bày cho mọi người. Đáng tiếc, tổng hợp sai lầm này đã lùa được vào Vatican II. Tiền thân của Tân Duy Tân Thuyết là Duy Tân Thuyết – Modernism – mà Đức Pio X đã kết án nặng nề trong Thông ĐiệpPascendi Dominici Gregis hồi đầu thế kỷ 20. Mục đích tối cao của Duy Tân Thuyết là uốn nắn đức tin Công Giáo cho phù hợp với ý thức hệ của con người thời đại.[9]

Việc Đức Giám Mục Phêrô – Martinô Ngô Đình Thục đã truyền âm thầm truyền chức GM cho Guera des Lauriers và một số người khác cũng là hệ quả của việc tẩy chay SLM và Sách Nghi Thức Các Phép của Vatican II. Ngài cho rằng những thay đổi Phụng Vụ của Vatican II và SLM là bất hợp pháp, và nếu cử hành thánh lễ và các Bí Tích theo nghi thức mới thì Bí Tích sẽ vô hiệu. Do vậy, để duy trì chức GM tông truyền, ĐC. Ngô Đình Thục đã kín đáo truyền chức Giám Mục cho một số vị theo nghi thức truyền chức truyền thống của GH trước Vatican II. Đến lượt những GM này cũng lại truyền chức cho GM cho những người kế tiếp, nhằm duy chức Giám Mục trong mối dây Kế Thừa Các Tông Đồ. Dưới quyền các GM truyền thống này, có các linh mục và giáo dân gắn bó hiệp thông với các ngài để trung thành tuân giữ đức tin và cử hành thánh lễ như trước Vatican II.

Trước khi kết thúc, xin cùng đọc Bản Tuyên Ngôn của GM Ngô Đình Thục tại Munich, Đức, ngày 25/2/1982:

Chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo ngày nay thế nào? Gioan Phao-lô II đang ngự trị ở Rôma như một Giáo Hoàng, được vây quanh bởi đội ngũ các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục. 

Bên ngoài Rôma, Giáo Hội Công Giáo dường như đang triển nở hưng thịnh cùng với các giám mục và linh mục của mình. Số người Công Giáo thật đông đảo. Thánh lễ được cử hành mỗi ngày trong các nhà thờ, và ngày Chúa Nhật giáo dân kéo đến đầy nhà thờ để dự lễ và rước lễ.

Nhưng Giáo Hội hôm nay như thế nào trong cái nhìn của Chúa? Các thánh lễ, cả ngày thường và ngày Chúa Nhật, có đẹp lòng Chúa không? Không đời nào! bởi vì thánh lễ đó giống y chang cho cả Công Giáo lẫn Tin Lành, nên nó làm mất lòng Chúa và vô hiệu. Thánh lễ duy nhất làm đẹp lòng Chúa là thánh lễ truyền thống của Đức Pio V vẫn được một số các giám mục và linh mục cử hành, trong đó có tôi. 

Vì vậy, theo khả năng có thể, tôi sẽ mở các chủng viện để đào tạo các ứng viên cho chức linh mục biết làm đẹp lòng Chúa.

Ngoài thánh lễ làm mất lòng Chúa này ra, những điều khác cũng bị Chúa chối bỏ là: những thay đổi trong nghi thức truyền chức linh mục, truyền chức giám mục, trong các bí tích Thêm Xức và Xức Dầu lúc nguy tử. 

Hơn thế nữa, các “linh mục” hôm nay gắn bó trung thành với:

  • Duy Tân Thuyết.
  • Chủ nghĩa đại kết lầm lạc (false ecumenism).
  • Sự tôn thờ con người.
  • Sự tự do tin theo bất kỳ tôn giáo nào.
  • Việc thờ ơ lên án các lạc thuyết và loại trừ những kẻ lạc giáo.

Vì vậy, với tư cách là Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi tuyên bố rằng, Ngai Toà của Giáo Hội Công Giáo bị trống (vacant), và điều đó thúc ép tôi làm tất cả những gì có thể, trong tư cách giám mục, để Giáo Hội Công Giáo tiếp tục đứng vững trong sứ mạng của mình vì phần rỗi của các linh hồn.

Munich, ngày 25/2/1982

+ Phêrô – Martinô Ngô Đình Thục.

KẾT LUẬN:

Lễ Mới rõ ràng là sản phẩm của cuộc cách mạng mang tên Công Đồng Vatican II. Vì thế, có thể mượn lời hai Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani và Antonio Bacci để kết luận rằng: “Sách Lễ Mới (Novus Ordo) rõ ràng là không còn trình bày đức tin như Công Đồng Trento truyền dạy nữaTrong toàn thể cũng như trong chi tiết, nó cho thấy một sự đi chệch rõ ràng khỏi nền thần học Công Giáo về thánh lễ đã được đóng khung trong phiên hop thứ 22 của Công Đồng Trentô. Như vậy, Lễ Mới cần phải bị tẩy chay và tránh xa vì nó không còn diễn tả đức tin như GH vẫn tin. Lễ Mới là một sự phá huỷ thánh lễ và Bí Tích Thánh Thể của GHCG.

Uỷ Ban Soạn Thảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Phao-lô VI đã trao phó như đã nói phần trên: Đó là làm cho thánh lễ Công Giáo trở nên giống hơn với phụng vụ Tin Lành! Phao-lô VI đã cám ơn các Mục Sư Tin Lành vì công sức đóng góp của họ cho công cuộc soạn thảo SLM! Lễ Mới chỉ có khả năng làm vui lòng những kẻ lạc giáo chứ không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đó lại là một lý do để tẩy chay và tránh xa Lễ Mới.

Lễ Mới cần phải bị tẩy chay và tránh xa bằng mọi giá!

+++++++

[1] Rama P. Coomaraswamy, The Problems with the New Mass: A Brief Overview of the Major Theological Difficulties Inherent in the Novus Ordo Missae, (Rockford, Ill.: Tan Books & Pub, 1990), 34.

[2] Anthony Cekada, The Problems with the Prayers of the Modern Mass (Rockford, Ill.: Tan Books & Pub, 1991), 9–13.

[3] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass (Kansas City, Mo: Angelus Press, 2009), 398.

[4] Octava Controversia Generalis. Liber Ii. Controversia Quinta. Caput XXXI.

[5] The Catechism of the Council of Trent: Sách Giáo Lý CĐ Trentô, NXB Tan Books, 1982. Trang 227

[6] St. Alphongsus de Liguori, Treatise on The Holy Eucharist, Redemptoris Fathers, 1934. Trang 44

[7] Alfredo C. Ottaviani, The Ottaviani Intervention: Short Critical Study of the New Order of Mass (Rockford, Ill.: Tan Books & Pub, 1992), 28

[8] Ottaviani, The Ottaviani Intervention

[9] http://www.montfort.org.br/old/index.php?secao=veritas&subsecao=igreja&artigo=colapso_da_igreja&lang=eng