CÁCH MẠNG TRONG GIÁO THUYẾT (tiếp theo)
Orientalium Ecclesiarum (OE): Sắc Lệnh Về Các GH Đông Phương.
Ngoài việc đề cập đến các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, sắc lệnh này còn dành phần nói về các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, tức các thành phần lạc giáo và ly giáo, tách khỏi Giáo Hội Công Giáo từ năm 1054. Một trong những điểm đáng chú ý nhất ở đây là Vatican II dạy rằng:
Các tín hữu thuộc các giáo hội ly khai có thể được lãnh nhận các bí tích Hoà Giải, Thánh Thể, và Xức Dầu trong Giáo Hội Công Giáo và ngược lại người Công Giáo cũng có thể lãnh nhận các Bí Tích trên trong các giáo hội ly khai Đông Phương!
Ta cùng đọc những lời sau của Vatican 2: “chiếu các các quy tắc vừa nói, các tín hữu Đông Phương, vì ý ngay lành đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo, có thể được lãnh nhận các Bí Thích Hoà Giải, Thánh Thể, và Xức Dầu, nếu họ tự ý xin và đã chuẩn bị tâm hồn xứng đáng. Hơn nữa, khi bị ngăn trở vể thể lý hoặc luân lý không thể tìm tới linh mục Công Giáo, thì người Công Giáo cũng có thể xin lãnh nhận các Bĩ Tích này nơi các thừa tác viên không Công Giáo thuộc các Giáo Hội có các bí tích ấy thành sự, mỗi khi cần thiết hay vì lợi ích thiêng liêng đòi hỏi.” (OE, 27).
Những người lạc giáo và ly giáo thuộc các Giáo Hội Đông Phương có thể lãnh nhận các Bí Tích vừa nói trên trong Giáo Hội Công Giáo không? Câu trả lời là KHÔNG. Xưa nay Giáo Hội vẫn nhất quán dạy với tính cách tín điều rằng, những người ly giáo và lạc giáo không thể lãnh nhận các Bí Tích của Giáo Hội. Ngay cả lúc nguy tử, nếu họ không bày tỏ dấu hiệu ăn năn và từ bỏ những sai lầm, họ sẽ không được lãnh các bí tích xức dầu, giải tội và rước lễ.
Đức Boniaface VIII trong Sắc Lệnh Unam Sanctam, ngày 18/11/1302, như sau: “Với Đức Tin thôi thúc chúng tôi tin và gắn bó với Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, chúng tôi tin tưởng vững vàng và thẳng thắn tuyên xưng rằng, ngoài Giáo Hội này không có ơn cứu độ và ơn tha tội.” (Denzinger, 468). Lời dạy này công khai bác bỏ khả năng lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải ở ngoài Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp đến, Đức Eugene IV và Công Đồng Florence (1439-1445), long trọng truyền dạy rằng: “Hội Thánh Công Giáo Rôma tin tưởng vững vàng, tuyên xưng và truyền dạy rằng tất cả những ai ở ngoài Giáo Hội Công Giáo, không chỉ là dân ngoại mà thôi nhưng cả những người Do-thái, lạc giáo hay ly giáo, không thể được dự phần sự sống đời đời và sẽ phải vào lửa đời đời được dành sẵn cho ma quỷ và các thiên thần của nó, nếu họ không tháp nhập vào Giáo Hội trước khi kết thúc cuộc sống của họ; rằng sự hợp nhất với thân thể giáo hội là tối cần thiết và chỉ những ai gắn bó bó với Giáo Hội mới làm cho các các bí tích góp phần sinh ơn cứu độ và làm cho các việc ăn chay, bố thí, và các thực hành đạo đức khác phát sinh phần thưởng đời đời; rằng không ai có thể được cứu nếu họ không kiên tâm ở trong lòng Giáo Hội và hợp nhất với Giáo Hội, bất kể họ họ bố thí bao nhiêu hay dù phải đổ máu nhân danh Đức Kitô.” (Denzinger, 714). Lời dạy này của Công Đồng Florence cũng công khai bác bỏ khả năng những người không Công Giáo có thể lãnh nhận các bí tích trong Giáo Hội Công Giáo.
Trải qua các thời đại, các Giáo Hoàng còn dạy thêm rằng, những người lãnh nhận Thánh Thể bên ngoài Giáo Hội Công Giáo là lãnh nhận án phạt cho chính mình.
Đức Pio VIII nói: “Thánh Giê-rô-ni-mô vẫn nói rằng: ai ăn Chiên bên ngoài nhà này (Giáo Hội) sẽ hư đi như đã xảy ra với những người ở ngoài con tàu của No-ê trong cơn Đại Hồng Thuỷ.” (Traditi Huminlitati: Thông Điệp Về Chương Trình Cho Triều Đại Giáo Hoang Của Ngài, ngày 24/5/1829, #4)
Đức Gregorio XVI cũng dạy những lời tương tự: “bất cứ ai dám tách khỏi sự hiệp nhất của Phê-rô hãy hiểu rằng mình không còn được dự phần vào màu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Giê-rô-ni-mô cũng nói thêm rằng: ai ăn Chiên bên ngoài nhà này (Giáo Hội) là phạm thánh, cũng như ai không ở trên tàu của No-ê thì đã bị huỷ diệt trong cơn Đại Hồng Thuỷ.” (Commissium Divinitus: Thông Điệp Về Giáo Hội Và Nhà Nước, ngày 17/5/1835, #11).
Đức Pio IX cũng dạy rằng: “kẻ rời bỏ Giáo Hội thì không thể tin rằng nó vẫn còn ở trong Giáo Hội; và kẻ ở ngoài Giáo Hội mà ăn Chiên là phạm thánh.” (Amantissimus: Thông Điệp Về Sự Chăm Sóc Các Giáo Hội, ngày 8/4/1862, #3).
Ngoài lời dạy về việc chia sẻ Bí Tích chung với những kẻ lạc giáo và ly giáo ở trên, Vatican II còn quảng bá ý tưởng lệch lạc như thể rằng Thiên Chúa cũng chuẩn nhận các nhóm lạc giáo và ly giáo.
Vatican II mời gọi mọi người: “cùng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi, ban dồi dào sức mạnh và an ủi cho các Kitô hữu thuộc bất cứ giáo hội nào đang phải đau khổ và bách hại mà vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa Kitô.” (OE, 30).
Lời cầu nguyện trên có vẻ chính đáng nhưng không phải vậy. Nếu xin Chúa Thánh Thần ban ơn sức mạnh và an ủi cho những kẻ lạc giáo và ly giáo vì họ vẫn tuyên dưng danh Chúa, thì nghĩa là Vatican II nhìn nhận những kẻ lạc giáo và ly giáo cũng là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô!! Các công đồng và Giáo Hoàng trước đó kết án điều này.
Công Đồng Ê-phê-sô dạy rằng: “những kẻ theo lạc giáo rút tỉa ra từ Kinh Thánh cái cớ cho sai lầm của họ hãy nhớ rằng, mọi kẻ lạc giáo đều làm hư các biểu lộ đích thực của Thần Khí bằng những bộ óc xấu xa của họ và họ tự đổ xuống đầu họ ngọn lửa không bao giờ tắt.” (Công Đồng Ê-phê-sô, Thư Thánh Cyrilo Gủi Cho Gioan Ở Antiokia, năm 431).
Đức Pio XII dạy rằng: “không thể có chuyện Thiên Chúa chân thật, đấng Ban Phát tốt lành và Thưởng Công khôn ngoan cho cho những kẻ lành, lại chấp nhận các giáo phái lầm lạc, thường mâu thuẫn và đối nghịch nhau, và ban phần thưởng đời đời cho những kẻ theo các giáo phái ấy. Vì chúng tôi có lời đáng tin hơn của vị ngôn sứ, và khi viết cho các anh, Chúng Tôi nói sự khôn ngoan trọn hảo; không phải sự khôn ngoan của thế gian này nhưng là sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúng tôi được dạy dỗ bởi sự khôn ngoan ấy, và với đức tin thần linh, chúng tôi tuyên xưng một Chúa, một đức tin và một phép rửa, và dưới gầm trời này, không một danh nào khác được ban cho con người ngoài danh Đức Giêsu Nazareth để nhờ đó mà chúng tôi được cứu. Đây là lý do tại sao chúng tôi tuyên xưng rằng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ.” (Urbi Primum: Thông Điệp Về Việc Đăn Quang Giáo Hoàng Của Ngài, ngày 5/5/1824, #14).
Nói tóm lại, Giáo Hội thời trước Vatican II dạy rằng, hoàn toàn không có sự hiệp thông bí tích nào với những kẻ lạc giáo và ly giáo. Vả chăng nếu có nhớ đến họ, thì lời cầu nguyện thích hợp có thể dâng lên Chúa, là cầu cho họ biết hoán cải và trở về với Giáo Hội Công Giáo. Vatican II dạy ngược lại như đã nói ở trên.
Dignitatis Humanae (DH)– Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo.
Vatican II khẳng định con người có quyền tự do tôn giáo và quyền này phải được coi là một quyền dân sự trong cơ cấu pháp lý của xã hội.
Cùng đọc: “Thánh Công Ðồng Vaticanô này tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự.” (DH, 2).
Ý tưởng cho rằng con người có quyền tự do tôn giáo và quyền này phải được bảo vệ bởi luật dân sự là ý tưởng đã bị Giáo Hội liệt vào danh sách những sai lầm tệ hại nhất cần phải bị kết án! Nhiều người sẽ thấy ngỡ ngàng trước sự thật này. Tại sao vậy? Để hiểu tại sao tự do tôn giáo là sai lầm cần phải bị kết án, người viết xin tóm tắt ngắn gọn thế này: Trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội cho đến trước Vatican II, Giáo Hội nhiều lần và nhiều cách khác nhau, đều tin chắc chắn và truyền dạy với tính cách tín điều rằng:
- Đạo Công Giáo là Đạo duy nhất chân thật.
- Ngoài Giáo Hội Công Giáo không có ơn cứu độ; và Giáo Hội Công Giáo được Đức Kitô, Đấng là Đường là Sự Thật, và là Sự Sống, thiết lập để rao giảng chân lý cứu độ cho mọi người, nên Giáo Hội Công Giáo tồn tại như “cột trụ của chân lý” và là “đèn soi sáng muôn dân.”
- Tất cả các tôn giáo khác đều là sai lầm theo nghĩa là tự thân các tôn giáo đó không phải là phương tiện của ơn cứu độ (means/vehicle of salvation).
Do vậy nếu nhìn nhận con người có quyền tự do tôn giáo, điều này đồng nghĩa với việc nhìn nhận con người có quyền tin, thực hành, và truyền bá bất kỳ tôn giáo nào họ muốn, không còn sự phân biệt tôn giáo chân thật với tôn giáo sai lầm nữa, các tôn giáo đều giống nhau cả... Điều này là không thể được vì không bao GH dạy và công nhận người ta có quyền tự do chọn theo sai lầm. GH dạy, người ta chỉ có tự do khi chọn theo chân lý mà thôi. Chính vì thế mà Giáo Hội kết án chủ trương tự do tôn giáo là một sai lầm tệ hại. Đức Pio IX đã liệt chủ trương tự do tôn giáo vào danh sách các sai lầm (Syllabus of Errors) cần phải bị kết án. Thật vậy, Đức Pio IX đã kết án là sai lầm những ai dạy rằng:
Mỗi người được tự do tin và tuyên xưng đức tin vào tôn giáo mà trí khôn họ cho là đúng. (Denzinger, 1715)
Dù tin theo bất kỳ tôn giáo nào mặc lòng, người ta cũng có thể tìm thấy đường và đạt được ơn cứu độ đời đời. (Denzinger, 1716)
Ở chỗ khác, Đức Pio IX dạy rằng: “Từ quan điểm hoàn toàn sai lầm đó của chính phủ, họ chẳng e dè quảng bá quan điểm sai lầm, nguy hại chết người đối với Giáo Hội Công Giáo và phần rỗi các linh hồn, Đức Gregorio XVI đã gọi đích danh đó là sự điên rồ, rằng quyền tự do lương tâm và thờ phượng là quyền chính đáng của mọi người, và nó phải được công bố và khẳng định bởi luật pháp trong mọi xã hội được thiết lập cách đúng đắn, rằng quyền tự do dưới mọi hình thức thuộc về mọi công dân, và không bị cấm cản bởi bất cứ quyền bính nào dù là giáo hội hay dân sự, và rằng do bởi quyền này, họ có thể bày tỏ cách cởi mở và công khai, có thể công bố những quan điểm của riêng họ bất kể chúng thế nào, bằng lời nói, bằng chữ viết, hoặc bất kỳ cách nào khác. Trong khi mù quáng khẳng định điều này, họ không hiểu sự thật rằng họ đang rao giảng thứ tự do của sự trầm luân.” (Quanta Cura- Thông Điệp Về Việc Kết Án Những Sai Lầm Đương Thời, ngày 8/12/1864, #3).
Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo luôn bảo vệ và dạy rằng: không ai bị cưỡng ép, dù bất cứ cách nào và hình thức nào, trong việc đón nhận đức tin Công Giáo nếu lương tâm họ không muốn. Bởi vì, tự bản chất đức tin Công Giáo là một hành động tự do của ý chí con người. Vì thế, Đức Leo XIII dạy rằng: “Giáo Hội luôn tâm niệm rằng không một ai bị ép buộc phải chấp nhận đức tin Công Giáo trái với ý muốn của họ, như Thánh Augustino khôn ngoan nhắc nhở chúng ta: con người không thể tin điều gì khác với ý muốn của chính họ.” (Immortale Dei -Thông Điệp Về Hiến Pháp Của Các Nhà Nước Kitô Giáo, ngày 1/11/1885, #36).
Kết luận về tự do tôn giáo:
Tự do tôn giáo theo đúng nghĩa mà Giáo Hội Công Giáo dạy là: không ai bị ép buộc phải chấp nhận đức tin Công Giáo trái với ý muốn của họ. Họ được quyền tự do tin hay không tin theo đức tin Công Giáo.
Tự do tôn giáo sai lầm và bị Giáo Hội Công Giáo kết án là: Mọi người có quyền tin hay không tin, thực hành, và truyền bá, bất kỳ tôn giáo nào mà họ muốn.Quan điểm này sai lầm vì nó mặc nhiên thừa nhận chủ nghĩa tương đối hay hoà đồng về tôn giáo: coi mọi tôn giáo đều tốt ngang nhau và là đường dẫn đến ơn cứu độ. Tự do tôn giáo như thế cũng xoá bỏ luôn sự phân biệt giữa tôn giáo chân thật và tôn giáo sai lầm. Đó là điều không thể, vì không bao giờ Giáo Hội dạy người ta có quyền tự do tin theo sai lầm. Người ta chỉ có tự do khi chọn theo chân lý mà thôi! Vì thế, ta có thể nói rằng, quyền tự do tôn giáo là sai lầm tự bản chất, vì thực ra nó là quyền giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc tôn giáo để họ cảm thấy được bình an sống trong lầm lạc và tội lỗi. Đây là điều mà Tam Điểm luôn quyết tâm đấu tranh để đạt bằng được cho con người. Coi lại bài nói về Tam Điểm để rõ hơn.
Cần nói thêm rằng, Đức Pio IX đã liệt nguyên tắc: “Giáo Hội phải được tách biệt với Nhà Nước và Nhà Nước với Giáo Hội” vào một trong những sai lầm cần phải bị kết án nghiêm khắc. (Denzinger, 1755 và các số liền trước đó).
Nguyên tắc “Giáo Hội tách biệt với nhà nước” cũng đã bị Đức Pio IX kết án là một luận điệu “hoàn toàn sai lầm, một sai lầm độc hại nhất…một tội bất công với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người và cũng là Đấng thiệt lập xã hội loài người...” (Vehementer Nos – TĐ Về Luật Phân Tách Giáo Hội Với Nhà Nước Tại Pháp, ngày 11/2/1906, #3).
Vậy mà nguyên tắc cũng này đã được Học Thuyết Xã của Vatican II nhìn nhận và cổ võ. Nguồn gốc ra đời, phát triển, và cách hiểu nguyên tắc này khá dài và phức tạp. Nếu có dịp sẽ nói nhiều hơn. Tựu trung, nguyên tắc này là sản phẩm của Kỷ Nguyên Ánh Sáng (Age of Enlightenment) và Duy Tân Thuyết (Modernism). Hậu quả rõ ràng nhất của nguyên tắc này được thể hiện trong Cuộc Cách Mạng Pháp (1789-1799). Theo đó, Giáo Hội dần bị tước bỏ mọi quyền hành và ảnh hưởng trong xã hội. Chủ nghĩa tục hoá (Secularism) chính thức được khai sinh.
Nguyên tắc “Giáo Hội tách biệt với Nhà Nước” là cách tiêu diệt Giáo Hội cách nhẹ nhàng nhất, biến Giáo Hội chỉ còn là một thực thể có cũng như không trong đời sống con người. Và kể từ cuộc Cách Mạng Pháp, nhất là kể từ thời hậu Vatican II đến nay, các quốc gia Kitô Giáo ở Âu Châu và Mỹ Châu kể như đã xoá sổ Giáo Hội Công Giáo khỏi tầm ảnh hưởng trong đời sống của họ, để tự do ban hành những đạo luật vô luân, trái nghịch với đức tin và luân lý Công Giáo, chống lại lề luật của Thiên Chúa. Tiếng nói và những chỉ dẫn luân lý của Giáo Hội Công Giáo chỉ còn là tiếng kêu lạc lõng trong sa mạc. Giáo Hội Công Giáo chỉ còn biết đứng im nhìn con cái của mình bị quân vô đạo dẫn đi vào lò sát sinh, bởi phải tôn trọng nguyên tắc Giáo Hội không xía vào chuyện của Nhà Nước và ngược lại. Như đã nói trong bài trước, lề luật và chủ quyền của Thiên Chúa đang bị đặt bên dưới quyền của con người. Hãy chờ xem điều gì sắp xảy ra nữa trong thời gian tới.
Đáng tiếc rằng, do chưa hiểu rõ bản chất ma quỷ của nguyên tắc “Giáo Hội tách biệt với Nhà Nước”, nên nhiều người ngày nay cũng mặc nhiên nhìn nhận đây là một ‘nguyên tắc văn minh‘ cần được áp dụng ở mọi nơi.!!
Ad Gentes (AG) – Sắc Lệnh Đến Với Muôn Dân.
Vatican II dạy rằng, người Công Giáo cần làm việc chung với những người thuộc các cộng đoàn kitô hữu khác (hiểu là Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo…) trong các kế hoạch truyền giáo của họ!?
Cùng đọc những lời sau của Vatican II: “phối hợp với Văn Phòng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, Thánh Bộ phải tìm đường lối và phương tiện hầu tạo ra cũng như điều phối sự cộng tác huynh đệ và cả việc hòa hợp với những kế hoạch truyền giáo của các cộng đoàn Kitô giáo khác, hầu tẩy trừ các gương xấu chia rẽ bao nhiêu có thể.” (AG, 29)
Khuyến khích làm việc truyền giáo chung với các cộng đoàn Kitô hữu khác như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, vậy phải chăng Vatican II coi việc hoán cải trở về với các cộng đoàn Kitô hữu đó cũng là sự hoán cải thật? Điều này là sai lầm. Chỉ có hoán cải trở về với Công Giáo mới là hoán cải thật. Còn hoán cải trở về với các nhóm ly giáo và lạc giáo như Tin Lành là hoán cải giả tạo và sai lạc. Chỉ có người khờ khạo mới không hiểu rằng các giáo phái lạc giáo và ly giáo như Chính Thống, Tin Lành và Anh Giáo vẫn đang chống phá Giáo Hội Công Giáo và bài bác đức tin Công Giáo khủng khiếp như thế nào. Vậy nên hoán cải trở về với họ là sai lầm. Theo giáo huấn của Giáo Hội thời trước Vatican II như đã nói nhiều ở các phần trên, không thể nào có chuyện cộng tác với những người lạc giáo và ly giáo trong việc truyền giáo.
Nostra Aetate (NA) – Sắc Lệnh Về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo.
Cùng đọc những lời Vatican II dành cho các tôn giáo ngoài Kitô Giáo:
Với Phật Giáo – Buddhism: “…Phật giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng mình hoặc bằng trợ lực của ơn trên…” (NA, 2)
Vatican II coi Phật Giáo cũng vạch ra con đường cho người ta có thể đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn. Vậy thì đâu cần Chúa Kitô nữa!?
Với Ấn Giáo – Hinduism: “Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng, và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy.” (NA, 2)
Vậy là Ấn Giáo của Vatican II hoàn toàn khác với Ấn Giáo của Đức Leo XIII như ngài mô tả sau đây: “những suy tư của chúng tôi trước tiên hướng về thánh tông đồ Tôma là người được kêu gọi tiên phong rao giảng Tin Mừng cho người Hindu. Rồi mãi sau này đến Thánh Phanxico Xavie cũng tận hiến trọn đời mình cho lời kêu gọi cao quý này. Nhờ đức kiên nhẫn phi thường, ngài đã hoán cải hàng trăm ngàn người Hindu thoát khỏi những huyền thoại và mê tín xấu xa của các thần Brahman để trở về với tôn giáo chân thật. Tiếp nối bước chân của con người thánh thiện này, được sự uỷ quyền và cho phép của Toà Thánh, nhiều vị thừa sai dòng cũng như triều, đã tận lực để gìn giữ và phát huy những màu nhiệm và nền móng Kitô Giáo đã được thánh Tôma thiết lập và thánh Phanxico Xavie làm cho sống động. Đến ngày nay, họ vẫn tiếp tục những cố gắng cao quý này để vươn xa mạnh mẽ đến vùng đất nơi nhiều người vẫn bị tước đoạt khỏi sự thật và bị cầm tù khổ sở trong bóng tối của mê tín.” ( Ad Extremas – Thông Điệp Về Các Chủng Viện Cho Hàng Giáo Sỹ Bản Địa, ngày 24/6/1893, #1).
Nếu coi lời dạy của Vatican II ở trên là đúng, thì có thể nói Thánh Phanxico Xavie đã có tội rất lớn khi đã nhẫn tâm hoán cải hàng trăm ngàn người Hindu đang ‘nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng mến yêu tin cậy’ về với đức tin Công Giáo!!!
Với Hồi Giáo- Islam: “Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất.” (NA, 3)
Ở đây Vatican II lặp lại điều khủng khiếp tương tự như đã nói ở Hiến Chế Lumen Gentium trong bài trước đó là: Người Hồi Giáo thờ chung một Thiên Chúa với người Công Giáo!
Với Do-thái Giáo – Judaism: “Do đó, vì người Do Thái và Kitô hữu cùng có chung một di sản tinh thần thật vĩ đại, nên Thánh Công Ðồng muốn cổ võ, khuyến khích sự hiểu biết và kính trọng nhau, nhất là bằng việc học hỏi Thánh Kinh, thần học và đối thoại trong tinh thần anh em.” (NA, 4)
Người tin Chúa Giêsu đối thoại và học hỏi thế nào với những người chối bỏ chối bỏ Chúa Giêsu? Tất cả Thánh Kinh Cựu Ước đều hướng về Chúa Giêsu như đích điểm hoàn thành. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này khi nói với các tông đồ rằng: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44). Vậy có thể nói, nếu không tin Chúa Giêsu thì Thánh Kinh cũng trở nên vô ích. Cho nên, sẽ là vô ích và lố bịch hết sức khi học hỏi Thánh Kinh và thần học với những người chối bỏ Chúa Giêsu.
Trong Sắc Lệnh nói về các tôn giáo ngoài Kitô Giáo này, Vatican II không hề đả động gì đến việc cần thiết phải hoán cải người ngoại đạo về với tôn giáo chân thật, không một lời nguyện nào được dâng để cầu xin Thiên Chúa gỡ khỏi tấm màn che phủ lòng trí họ ngõ hầu họ có thể đạt tới đức tin chân thật vào Chúa Giêsu Kitô. Trái lại, ta chỉ thấy trong Sắc Lệnh này toàn là những lời tán dương và kính trọng dành cho các tôn giáo lầm lạc như thể họ cũng là những con đường dẫn đến sự giải thoát trọn vẹn, sự giác ngộ hoàn toàn, hoặc đến với chính Thiên Chúa. Điều ta thấy rõ ràng ở đây là một chủ trương hoà đồng tôn giáo của Vatican II. Chủ trương này đã bị Đức Pio IX lên án là sự suy đồi ghê tởm: “cũng là một sự suy đồi nữa là thứ chủ thuyết ghê tởm không cần để ý đến sự khác biệt tôn giáo mà người ta tin theo, một thứ chủ thuyết xa lạ với chính lý trí con người. Bằng thứ chủ thuyết này, những kẻ xảo quyệt rũ bỏ mọi khác biệt giữa nhân đức và nết xấu, giữa chân lý và sai lầm, giữa hành động đáng kính và bỉ ổi. Họ lừa mị rằng, con người có thể đạt được ơn cứu độ đời đời nhờ thực hành bất kỳ tôn giáo nào, như thể sự công chính lại liên kết được với sự bất chính, ánh sáng lại dung hòa được với bóng tối, Ðức Kitô lại hòa hợp được với Bêlia (2 Cr 6, 14-15).” (Qui Pluribus – Thông Điệp Về Đức Tin Và Tôn Giáo, ngày 9/11/1846, #5).
Đức Pio XI dạy tiếp rằng: “tuyệt nhiên người Công Giáo không thể nào chấp nhận những nỗ lực này (chủ trương hoà đồng tôn giáo), vì chúng dựa trên quan điểm sai lầm coi mọi tôn giáo đều hơn kém tốt và chính đáng như nhau, bởi các tôn giáo thể hiện và biểu thị một ý nghĩa tuy khác nhau trong những cách thức nhưng là tự nhiên bẩm sinh với mọi người, và theo đó chúng ta được đưa đến với Thiên Chúa và đến sự vâng phục nhìn nhận lề luật của Ngài. Những kẻ bảo vệ quan điểm này không chỉ sai lầm và tự lừa gạt mình, mà còn dần dần đi đến chỗ xuyên tạc và phủ nhận ý niệm tôn giáo chân thật.” (Mortalium Animos – Thông Điệp Về Sự Hợp Nhất Tôn Giáo, ngày 6/1/1928, #2).
Kết luận về cuộc cách mạng trong giáo thuyết của Vatican II:
Qua những điều trình bày ở P2 và P3, ta thấy rõ được tính chất cách mạng, đối nghịch và xa lạ trong giáo thuyết của Vatican II so với truyền thống của GHCG. Việc công khai rao giảng và áp dụng vào mục vụ những điều đã bị các công đồng và Đức Giáo Hoàng trước đó kết án là sai lầm chứng tỏ cho ta thấy rằng, Vatican II đã gián tiếp chối bỏ những giáo huấn có tính bất khả ngộ (không thể sai lầm) của Giáo Hội trước đây. Cụ thể:
- Vatican II mặc nhiên chối bỏ tín điều ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ.
- Vatican II đã đầu hàng không dám công khai nhìn nhận Đạo Công Giáo là đạo duy nhất chân thật.
- Vatican II đã nhìn nhận tính hợp pháp của các thành phần ly giáo và lạc giáo khi khẳng định Chúa Thánh Thần cũng hoạt động và sử dụng họ như những phương tiện của ơn cứu độ.
- Vatican II đã cổ võ chủ nghĩa tương đối về tôn giáo khi khẳng định con người có quyền tự do tôn giáo theo nghĩa sai lầm như vừa phân tích ở trên, và nhìn nhận các tôn giáo ngoài Kitô giáo cũng có chân-thiện-mỹ và hạt giống của Chúa Thánh Thần hoạt động trong đó.
- Vatican II gián tiếp tạo cho những kẻ lạc giáo, ly giáo, thấy rằng việc hoán cải trở về với Giáo Hội Công Giáo là không cần thiết nữa.
- Với học thuyết của mình, Vatican II đã đặt dấu chấm hết cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo.
Nhiều người sẽ biện hộ rằng, do chủ trương: Đại Kết – Đối Thoại (Ecumenism & Dialogue), mà Vatican đã xây dựng học thuyết như vậy. Tuy nhiên đến nay, xét tổng thể chủ trương này kể như đã thất bại. Như ta thấy, hoà bình trên thế giới giữa các dân tộc và các tôn giáo không những không tăng lên kể từ sau Vatican II mà còn trở nên xấu hơn rất nhiều, nhất là những gì đã và đang diễn ra trên thế giới hôm nay mà mọi người đang thấy rõ. Các Kitô hữu đang bị tàn sát ở I-rắc, Syria, Nigiêria, và nhiều nơi khác, sao không kêu lên: hỡi các anh em Hồi Giáo! nào chúng tôi và các anh em chẳng thờ chung một Thiên Chúa đó sao? Sao các anh lại tàn sát chúng tôi như thế!!!
Một lần nữa ta thấy, Vatican II đã đi xa như thế nào khỏi giáo huấn và đức tintruyền thống của Giáo Hội Công Giáo. Trong bối cảnh những cảnh báo đã nói ở bài 1, Vatican II là một lễ ‘Hiện Xuống Mới’ như nhiều người ví von, hay một Apostasy của thời kỳ cuối mà Thánh Kinh và Đức Mẹ đã cảnh báo?
+++++++
(Bài sau sẽ nói về cuộc cách mạng trong phụng vụ)