GIÁO LÝ XƯNG TỘI RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU
do
ĐỨC HỒNG Y PETER GASPARRI BIÊN SOẠN
++++++++++++++++
chuyển dịch từ
THE CATHOLIC CATECHISM by CARDINAL PETER GASPARRI
++++++++
Lời Mở đầu:
Ngày 8 tháng 8 năm 1910, Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X đã ban hành Sắc Lệnh Quam Singulari, trong đó đưa ra
những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến độ tuổi và mức độ giáo lý căn bản cần thiết mà các trẻ cần được trang bị cho việc xưng tội và rước lễ lần đầu. Về độ tuổi, Sắc Lệnh xác định là, khi trẻ biết sử dụng trí khôn, tức đủ bẩy tuổi hoặc có thể hơn kém chút. Về mức độ giáo lý, Sắc Lệnh nêu rõ, không cần thiết phải trang bị cho các trẻ kiến thức sâu rộng về giáo lý. Trái lại, các em chỉ cần nắm chắc những màu nhiệm đức tin tối cần cho ơn cứu độ mà thôi, và đồng thời các em có thể phân biệt giữa Thánh Thể và bánh thường. Sau khi xưng tội và rước lễ lần đầu, các trẻ cần siêng năng lãnh nhận hai Bí Tích này thường xuyên nhất có thể, và bị bó buộc bởi luật Giáo Hội, phải xưng tội và rước lễ mỗi năm ít là một lần trong Mùa Phục Sinh.
Đáp lại lòng thao thức thường trực của Mẹ Thánh Giáo Hội, nhất là của các giám mục địa phận và các cha sở, là làm sao để có một tài liệu giáo lý đầy đủ, ngắn gọn, thiết thực, và phù hợp, để truyền đạt cho các trẻ chuẩn bị xưng tội và rước lễ lần đầu, tập Giáo Lý Công Giáo của Đức HY. Gasparri đã được ra đời. Dựa trên những Thủ Bản Giáo Lý đã được Giáo Hội chuẩn nhận và được khuyến khích sử dụng qua nhiều đời Giáo Hoàng như: Thủ Bản Giáo Lý Dành Cho Các Cha Sở theo Sắc Lệnh Của CĐ Trento; Sách Giáo Lý Roma; Sách Giáo Lý CĐ Trento; và nhất là Tuyển Tập Giáo Lý Cho Trẻ Em của Thánh Tiến Sỹ Robert Bellarmine, từng được tán dương qua nhiều đời Giáo Hoàng; cũng như các Thủ Bản Giáo Lý khác được sử dụng trong Giáo Tỉnh Rôma… Đức Hồng Y Peter Gasparri đã tổng hợp, đúc kết và biên soạn thành tuyển tập giáo lý chứ danh có tên: GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
Tập GIÁO LÝ CÔNG GIÁO của Đức HY. Gasparri gồm đủ ba phần giáo lý dành cho ba đối tượng khác nhau cần phải được giảng dạy về giáo lý, như truyền thống GH xác định, đó là: một là trẻ em chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu; hai là trẻ em sau khi đã xưng tội, rước lễ lần đầu; và ba là người trưởng thành cần đào sâu thêm giáo lý.
Tập sách nhỏ này là phần thứ nhất trong tập GIÁO LÝ CÔNG GIÁO của Đức HY. Gasparri. Theo đó, trẻ em trước khi xưng tội rước lễ lần đầu, cần phải được hướng dẫn và học thuộc lòng 26 câu hỏi giáo lý rất căn bản này. Kinh nghiệm và sự khôn ngoan của GH được đúc kết qua bao đời, chỉ đòi hỏi các em một mức độ giáo lý bấy nhiêu mà thôi. GH không đòi hỏi hay có ý nhồi nhét cho các em lượng kiến thức giáo lý quá mức cần thiết với độ tuổi của các em. Chỉ có 26 câu hỏi rất súc tích, ngắn gọn và nhất thiết phải ghi khắc trong lòng. Thầy cô dạy giáo lý rất nên giảng giải thêm hầu giúp các em lãnh hội được nội dung và ý nghĩa của các từ ngữ được dùng thủ bản giáo lý.
Sau khi đã xưng tội, rước lễ lần đầu, các em cần tiếp tục học hỏi và đào sâu giáo lý ở hai phần tiếp theo, tương ứng với độ tuổi của mình.
+++++++++++++++++++++++
ÂN XÁ DÀNH CHO AI TẬN HIẾN BẢN THÂN
CHO VIỆC
GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI GIÁO LÝ
- Một (01) ơn Đại Xá (toàn xá) dành cho bất cứ tín hữu nào sẽ dành một khoảng thời gian 30 phút hoặc kém hơn, nhưng không được dưới 20 phút, cho việc học hỏi hoặc giảng dạy giáo lý ít nhất là 2 lần trong một tháng. Ơn Đại Xá này có thể được lãnh nhận vào bất cứ hai ngày nào trong tháng, tuỳ ý họ chọn lựa và thu xếp thời gian, đồng thời phải hội đủ các điều kiện là xưng tội, rước lễ, viếng nhà thờ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng (tức đọc: một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, và một Kinh Sáng Danh).
- Một (01) Ơn Tiểu Xá cho các thành viên gia đình của tín hữu nào dành thời gian, chiếu theo cùng một điều kiện như trên, cho việc giảng dạy hoặc học hỏi giáo lý, và đồng thời có lòng thống hối tội lỗi thật.
Theo khả năng của mình, mọi tín hữu cần đào sâu học hỏi Giáo Lý Công Giáo thật chu đáo và phải hết sức lưu tâm lo cho những người thuộc quyền mình giám hộ cũng được học hỏi như vậy. Không có việc học hỏi nào quan trọng hơn việc học hỏi giáo lý, vì nó chỉ ra cho chúng ta biết con đường đến ơn cứu độ đời đời, cùng đích của cuộc đời chúng ta. Vì nào có ích gì nếu được lời lãi cả trần gian mà lại thiệt mất linh hồn mình? Hoặc người ta sẽ lấy gì để chuộc lại linh hồn mình? (Mt 16,26).
+++++++++++++++++++++++++++
GIÁO LÝ CHO TRẺ EM CHUẨN BỊ XƯNG TỘI VÀ RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU
THEO CHỈ DẪN CỦA SẮC LỆNH
QUAM SINGULARI
CỦA ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG PIO X
+++++++++++++++++++
Kinh cần thuộc:
DẤU THÁNH GIÁ
KINH LẠY CHA
KINH KÍNH MỪNG
KINH SÁNG DANH
KINH ĂN NĂN TỘI
KINH TIN KÍNH CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ
++++++++++++++++++
26 CÂU HỎI GIÁO LÝ CẦN NHỚ THUỘC LÒNG
1. Ai đã tạo nên con?
Thiên Chúa đã tạo nên con.
2. Con hiểu từ “Thiên Chúa” nghĩa là gì?
Với từ “Thiên Chúa”, con hiểu rằng đó là một thần khí thuần khiết nhất, tuyệt đối toàn thiện, đấng đã tạo dựng muôn vật trên trời và dưới đất.
3. Tại sao Thiên Chúa đã tạo nên con?
Thiên Chúa đã tạo nên con để con nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và tuân giữ các giới răn của Ngài ở đời này, và sau khi chết, con được hưởng hạnh phúc cùng Ngài trên thiên đàng.
4. Kẻ không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa sẽ bị phạt thế nào?
Kẻ không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, sẽ bị phạt trong hoả ngục.
5. Thiên Chúa ở đâu?
Thiên Chúa ở trên trời, dưới đất, và khắp mọi nơi.
6. Thiên Chúa có khỏi đầu và kết thúc không?
Thiên Chúa không có khỏi đầu và kết thúc, vì Ngài là vĩnh cửu.
7. Thiên Chúa có thông biết mọi sự không?
Thiên Chúa thông biết mọi sự, biết cả những sự vụt qua trong hành động tự nhiên của các loài thụ tạo, biết những tình cảm, và biết cả những suy nghĩ thầm kín trong lòng họ.
8. Thiên Chúa có là Một không?
Thiên Chúa là Một qua sự hợp nhất bản thể trong Ba Ngôi riêng biệt, được gọi là Cha, Con, và Thánh Thần, làm nên màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh.
9. Ngôi nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm người?
Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, đã làm người.
10. Tên của Con Thiên Chúa đã làm người là gì?
Tên của Con Thiên Chúa đã làm người là Giêsu Kitô.
11. Con Thiên Chúa đã làm người thế nào?
Con Thiên Chúa đã làm người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, mang lấy một thân xác và một linh hồn nơi cung lòng cực tinh khiết của Đức Trinh Nữ Maria.
12. Tại sao Con Thiên Chúa đã làm người?
Con Thiên Chúa đã làm người để Ngài giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và dẫn đưa chúngta về thiên đàng.
13. Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội và dẫn chúng ta về thiên đàng như thế nào?
Để giải thoát chúng ta khỏi tội và dẫn chúng ta về thiên đàng, Chúa Giêsu Kitô đã chịuđau khổ và đã chết trên Thập Giá, rồi Ngài đã sống lại và và lên trời, và Ngài sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
14. Các Bí Tích là gì?
Các Bí Tích là những phương tiện Chúa Giêsu đã thiết lập để ban ân sủng cho chúng ta.
15. Con đã lãnh nhận Bí Tích nào?
Bí Tích con đã lãnh nhận là Bí Tích Rửa Tội, nhờ đó con được trở nên một Kitô hữu và có thể lãnh nhận các Bí Tích Khác.
16. Những Bí Tích nào con đang ước muốn lãnh nhận?
Con đang ước muốn lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Giải Tội, và Bí Tích Thánh Thể.
17. Bí Tích Thêm Sức là gì?
Bí Tích Thêm Sức là Bí Tích Chúa Giêsu đã thiết lập để thông ban ân sủng đặc biệt vànhững ơn của Chúa Thánh Thần, nhờ đó, chúng ta được làm cho trở nên mạnh mẽ đểtuyên xưng đức tin bằng lời nói và việc làm.
18. Bí Tích Giải Tội là gì?
Bí Tích Giải Tội là Bí Tích Chúa Giêsu đã thiết lập để tha các tội đã phạm sau khi lãnhnhận Bí Tích Rửa Tội.
19. Muốn lãnh nhận Bí Tích Giải Tội cho xứng đáng, chúng ta phải làm gì?
Để lãnh nhận Bí Tích Giải Tội cho xứng đáng, chúng ta phải:
- Một là phải kiểm điểm xét mình (lương tâm).
- Hai là phải đau buồn hối lỗi vì các tội đã phạm.
- Ba là phải quyết tâm không tái phạm tội.
- Bốn là phải xưng thú các tội đã phạm.
- Năm là phải làm việc đền tội như cha giải tội yêu cầu.
20. Bí Tích Giải Tội buộc chúng ta phải xưng thú những tội gì?
Bí Tích Giải Tội buộc chúng ta phải xưng thú tất cả các tội trọng đã phạm kể từ sau khichịu Phép Rửa Tội; cả các tội nhẹ cũng nên xưng thú vì sẽ sinh ích hơn cho linh hồn.
21. Bí Tích Thánh Thể là gì?
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô.
22. Chúa Giêsu Kitô hiện diện ở đâu?
Với tư cách là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô hiện diện ở khắp mọi nơi; với tư cách là Thiên Chúa đã làm người, Ngài hiện diện trên thiên đàng và trong Bí Tích Thánh Thể.
23. Rước lễ là gì?
Rước lễ là lãnh nhận chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.
24. Tại sao con muốn Rước Lễ?
Con ước muốn Rước Lễ vì Chúa yên mến con và muốn con đến với Ngài; và vì con yêumến Chúa Giêsu, nên con thật lòng khao khát và muốn lãnh nhận Ngài.
25. Muốn Rước Lễ cho xứng đáng, chúng ta phải làm gì?
Muốn Rước lễ cho xứng đáng, chúng ta phải:
- Một là linh hồn phải ở trong tình trạng ân sủng, không mắc tội nặng.
- Hai là phải giữ Chay đủ ba tiếng, tính cho đến thời điểm Rước Lễ.
- Ba là phải chuẩn bị kỹ càng trước khi Rước Lễ và phải tạ ơn Chúa ngay sau khi rước lễ.
26. Con sẽ hứa gì với Chúa Giêsu Kiô trong ngày con được Rước Lễ lần đầu?
Trong ngày Rước Lễ lẫn đầu, con sẽ hứa với Chúa Giêsu Kitô là con sẽ dự Lễ mọi ngày Lễ Buộc, sẽ siêng năng xưng tội và Rước Lễ, sẽ chăm học giáo lý, biết vâng lời cha mẹ, biết cẩn thận và xa tránh bạn bè xấu.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
GHI CHÚ DÀNH NGƯỜI DẠY GIÁO LÝ
Giảng viên cần dành thời gian, ân cần chỉ dẫn cho các em cách làm Dấu Thánh Giá cho đúng cách, cử chỉ gọn gàng cung kính, và miệng đọc rõ ràng, tròn câu, tròn chữ, từng lời trong: Dấu Thánh Giá, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, và Kinh Tin Kính. Cần giảng giải vắn tắt cho các em biết ý nghĩa các lời trong Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, và những ai là người đầu tiên đã đọc những lời kinh này (Kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu dạy. Kinh Kính Mừng: lời Thiên Thần Gabriel và Bà Elizabeth nói với Đức Trinh Nữ Maria). Giảng viên phải cho các giảng cho các em biết, Đức Trinh Nữ Maria, dù là Mẹ Thiên Chúa nhưng cũng là mẹ của chúng ta, và ngài dành cho chúng ra tình hiền mẫu rất dịu dàng. Vì thế, khuyến khích các em phải biết yêu mến Đức Trinh Nữ Maria bằng tình yêu trẻ thơ, bằng cách sớm tối, trước khi nghỉ đêm và sớm khi thức dậy, siêng năng làm Dấu Thánh Giá, đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh.
Với câu số 2: giảng viên nên dành thời gian trình bày cho các em nghe câu chuyện Chúa tạo dựng muôn loài từ hư vô, bằng một cách thức đơn sơ, nói cho các em ghi khắc trong lòng rằng, Thiên Chúa là cùng đích của tất cả mọi loài thụ tạo, kể cả con người. Hãy kể cho các em nghe câu chuyện về sự sa ngã của các thiên thần, đồng thời cho các em một số ý niệm về thiên thần là gì, đặc biệt là về các Thiên Thần Bản Mệnh và về các thần xấu xa. Kể cho các em biết về hạnh phúc của con người ở trong vườn địa đàng như thế nào trước khi ông bà Adam và Eva sa ngã phạm tội. Giải thích cho các em về tội mà Adam và Eva đã phạm và tội ấy được truyền lại cho chúng ta như thế nào, ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria. Giải thích cho các em biết Tội Nguyên Tổ được tha nhờ Phép Rửa Tội làm sao. Cuối cùng, hãy kể cho các em biết, ở trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã hứa với Adam và Eva rằng, sẽ có người đến cứu họ khỏi tội lỗi, người đó là Chúa Giêsu Kitô.
Với câu số 3: nên cắt nghĩa, giải thích thêm rằng: chúng ta biết Thiên Chúa nhờ trí khôn và mạc khải (Kinh Thánh); chúng ta yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa bằng cách trung thành tuân giữ các giới răn của Người, và bằng cách thi hành các việc tốt khác, cho dù những việc đó không được Thiên Chúa minh nhiên truyền lệnh. Những điều vừa nói phải được cẩn thận trình bày giải thích thêm cho các em một cách sinh động.
Với câu số 4: cần phải cắt nghĩa cho các em hiểu một cách đơn sơ về tình trạng của các linh hồn trên thiên đàng cũng dưới hoả ngục là gì: Trên thiên đàng, các linh hồn được chiêm ngắm Thiên Chúa như ngài thực sự là, được ngập tràn trong hạnh phúc tuyệt hảo, không bao giờ vơi cạn cùng với Chúa Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria, thiên thần, các thánh, và toàn thể cư dân trên thiên đàng; trái lại trong hoả ngục, các linh hồn bị tước niềm hạnh phúc tuyệt đối là được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa, đời đời phải chịu lửa thiêu đốt và các cực hình khác cùng với đạo binh các thần dữ và những người bị án phạt.
Với câu số 11: Ở đây giảng viên sẽ phải trình bày cho các em việc Thiên Thần Gabriel đã được sai đến với Đức Trinh Nữ Maria như thế nào; việc Chúa Giêsu đã được sinh ra tại hang đá ở Belem ra làm sao; việc ba người khôn ngoan từ phương Đông đã đến thờ lạy Chúa thế nào; việc Chúa Giêsu đã sống ẩn dật 30 năm tại Nazareth ra làm sao; rồi khuyến khích các em phải biết vâng lời cha mẹ trong lời nói và việc làm cụ thể, theo mẫu gương của Chúa Giêsu.
Với câu số 13: các em cần phải học hỏi điều gì đó từ mầu nhiệm cứu chuộc loài người, từ cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, từ sự sống lại và lên trời của Chúa Giêsu, rồi việc Ngài sẽ trở lại vào lúc tận cùng thế giới để phán xét mọi người. Tất cả những điều này được trình bày để nói lên tình yêu của Chúa Giêsu đối với con người chúng ta, một tình yêu mà Chúa không bao giờ ngưng thể hiện với chúng ta, và điều đó mời gọi chúng ta phải đáp trả bằng tình yêu.
Với câu số 15: Cần giải thích vắn tắt cho các em biết, nhờ Bí Tích Rửa tội, chúng ta được tha thứ tội Nguyên Tổ, được trở nên là Kitô hữu, được làm con cái Thiên Chúa. Đồng thời, BT. Rửa tội là cửa dẫn vào các Bí Tích khác. Nếu không rửa tội, không thể được lãnh bí tích nào.
Với câu số 17: Nếu một trẻ đã được chịu Phép Thêm Sức trước khi Rước Lễ lần đầu, thì câu trả lời ở câu số 16 cần được sửa lại bằng cách không liệt kê Bí Tích Thêm Sức, và đồng thời bỏ qua câu hỏi số 17 này.
Với câu số 19: Giảng viên phải trình bày cẩn thận cho các em biết cách kiểm vấn lương tâm (xét mình); biết cách xưng tội, kể tội và số lần cụ thể nếu nhớ, nếu không nhớ cụ thể thì áng chừng số lượng theo mỗi tuần, mỗi tháng, là bao nhiêu; biết làm việc đền tội như cha giải tội yêu cầu; và biết quyết tâm không tái phạm tội.
Với câu hỏi số 21: có thể nói đây là tột đỉnh màu nhiệm đức tin của chúng ta. Trong thánh lễ, trước lời truyền phép của linh mục, bánh vẫn chỉ là bánh; nhưng sau lời truyền phép, bánh không còn là bánh nữa mà là chính Chúa Giêsu Kitô cùng với linh hồn và Thần Tính của Ngài dưới hình bánh. Tương tự, điều như thế cũng xảy ra đối với rượu. Đây là màu nhiệm đức tin chúng ta phải tin nhận vững vàng, vì Chúa Giêsu đã công khai tuyên bố và Mẹ Thánh Giáo Hội đã và sẽ luôn truyền dạy như thế. Chúa Giêsu đã thiết lập Thánh Lễ trong khung cảnh bữa Tiệc Ly, để làm cho Hiến Tế Thập Giá được tái hiện trên bàn thờ, để Ngài kết hiệp với chúng ta qua việc Rước Lễ, để Ngài hiện diện với chúng ta trong Nhà Tạm, và đồng thời Ngài luôn ngự bên hữu Chúa Cha trên thiên đàng. Chúng ta không bao giờ được phép quên cam kết tình yêu mà Chúa đã lập và để lại cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải nhủ lòng quyết tâm sẽ tham dự Thánh Lễ ít là trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, và phải tham dự với một lòng tôn sùng như thể là chúng ta đang ở dưới chân thập giá trên đồi Calvary khi xưa, lúc Chúa chịu chết. Cùng một lòng tôn sùng như thế, mỗi chúng ta đến Rước Lễ và viếng Chúa trong Nhà Tạm.
Với câu số 25: Sau khi đã giải thích điều kiện thứ nhất và thứ hai cần có để rước lễ cho nên, giảng viên sẽ ân cần chỉ dẫn cho các em hành động cần làm ngay trước mỗi khi Rước Lễ và cách cám ơn ngay sau Rước Lễ.
Vào ngày được Rước Lễ lần đầu, ngay trước khi Rước Lễ: Hướng dẫn các em hãy cùng nhau đọc rõ ràng và cung kính những kinh ngắn sau đây, để khơi lên lòng: Tin-Cậy-Mến-Sám Hối-Khiêm Nhường-và Khao Khát việc Rước Lễ:
- Lòng Tin: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con tin vững vàng mọi lời Chúa đã truyền dạy con qua Giáo Hội của Chúa, nhất là về sự hiện diện đích thực của Chúa dưới hình Bánh đã được truyền phép.
- Lòng Cậy: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, cậy trông vào lòng nhân lành của Chúa, con mong nhận được từ nơi Chúa ân sủng, mọi điều thiện hảo và sự sống đời đời.
- Lòng Mến: Lạy Chúa Chúa Giêsu nhân lành, con yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực con, vì Chúa là sự thiện tuyệt đối.
- Lòng Khiêm Nhường: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin hãy đón nhận con, một thụ tạo nghèo hèn và tội lỗi của Ngài.
- Lòng Ước Ao: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con thành tâm khao khát được rước Chúa ngự vào hồn con, xin mau ngự đến và đừng trì hoãn.
Ngay sau khi Rước Lễ: hướng dẫn các em cùng nhau đọc lời Kinh sau để thờ lạy, cảm tạ Chúa.
- Lòng Thờ Lạy: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con thờ lạy Chúa đang ngự trong linh hồn con; con xin hạ mình xuống trước Chúa và lòng con ngập tràn niềm hạnh phúc ngỡ ngàng trước sự thiện hảo tuyệt vời của Chúa.
- Lòng Tạ Ơn: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, làm sao con biết tạ ơn Chúa cho phải đạo? Con xin dâng lên Chúa lời tạ ơn của toàn thể các thánh, nhất là của Đức Trinh Nữ Maria và hết thảy những ai yêu mến Ngài.
Sau ngày Rước Lễ lần đầu, mỗi lần rước lễ về sau, cá nhân mỗi em cũng nên đọc những lời nguyện ngắn trên, để dọn mình và cám ơn sau Rước Lễ.
++++++++++